Truyền thông giáo dục sức khỏe giữ vai trò quan trọng

Những năm gần đây, công tác truyền thông, tư vấn, vận động trực tiếp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Truyền thông là phương pháp hữu hiệu nhất nhằm giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về sức khỏe, thực hiện các hành vi bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Nâng cao ý thức người dân

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, môi trường sống ngày càng ô nhiễm, nhất là môi trường đất, nước, không khí làm phát sinh những căn bệnh nguy hiểm, các bệnh dịch có điều kiện phát sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây chính là thách thức của đơn vị truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) và những cán bộ truyền thông trong tình hình mới.

Tổ chức diễn tập biên giới tình huống giả định có ca nghi nhiễm cúm A/H5N1 tại thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm TTGDSK Long An có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động và có tầm ảnh hưởng rộng đến cộng đồng dân cư. Nhờ vậy, kiến thức, nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng được cải thiện nhiều.

Đáng chú ý trong những năm qua, dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn được khống chế kịp thời, chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng cao, đội ngũ thầy thuốc tại các cơ sở y tế yên tâm với nghề, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ người bệnh, thực hiện tốt y đức, quy tắc ứng xử, giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, từng bước nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ trung bình cho người dân,...

Theo chị Nguyễn Thị Hoàng An (phường 2, TP.Tân An): “Nhờ công tác TTGDSK mà những năm qua, người dân ý thức được cách tự chăm sóc bản thân; phòng, trị bệnh, đẩy lùi nhiều căn bệnh truyền nhiễm: Sốt rét, viêm màng não, bệnh bạch hầu, bệnh bại liệt,...”.

Có thể nói, đây là công việc thầm lặng nhưng mang rất nhiều ý nghĩa, mang lại hiệu quả bền vững. Cụ Phan Văn Lương (xã Bình Tâm, TP.Tân An) vui mừng: “Tôi bị bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Thời gian đầu, tôi rất lo lắng về bệnh tình của mình? Trong thời gian điều trị, tôi còn xem trên báo, đài để biết thêm về căn bệnh này; từ đó, biết cách tự chăm sóc bản thân, ăn uống điều độ, tâm lý thoải mái, bệnh cũng thuyên giảm nhiều”.

TTGDSK đóng vai trò rất quan trọng

Để có được kết quả trên, phải kể đến hệ thống TTGDSK của ngành Y tế từng bước được kiện toàn, hoạt động TTGDSK được triển khai đều đặn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Truyền hình, phát thanh, báo chí, Internet và các hình thức truyền thông trực tiếp: Tư vấn, thảo luận nhóm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề,... Các hoạt động này góp phần đáng kể trong việc cung cấp thông tin, nâng cao hiểu biết và nhận thức của các tầng lớp nhân dân về cách phòng tránh dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe.

 

Thông báo trước khi phun thuốc diệt lăng quăng tại cộng đồng

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Long An - bác sĩ CKI Nguyễn Tấn Hiền cho biết: TTGDSK là nội dung đầu tiên trong 8 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu mà Hội nghị Alma - Ata đề ra năm 1978 và cũng là nội dung đầu tiên trong 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam, đó là GDSK nhằm giúp mọi người có kiến thức tối thiểu và cơ bản nhất để họ có thể tự phòng bệnh cho mình, cho gia đình, người thân và cho xã hội; để người dân có thể xử trí đúng khi bị ốm đau, bệnh tật và thay đổi những cách nghĩ, nếp sống có hại cho sức khỏe,...

Với vai trò quan trọng như thế, trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tại tuyến y tế cơ sở, công tác TTGDSK được xếp vào chuẩn 1, chuẩn quốc gia về y tế. Y tế cơ sở có điều kiện gần dân, sát dân, là tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh nên việc củng cố các hoạt động TTGDSK tại tuyến y tế cơ sở có ý nghĩa đặc biệt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Năm 2016, trung tâm phối hợp cơ quan truyền thông: Phát sóng truyền hình 87 lượt; phát thanh 23.612 lượt; 96 tin, bài, 16 chuyên trang sức khỏe đăng trên báo; 40 cuộc míttinh. Truyền thông trực tiếp: 
Tổ chức thăm hộ gia đình, cá nhân 270.000 lượt; thảo luận trong nhân dân gần 26.000 cuộc, với 400.000 người dân dự. Phát hành tài liệu truyền thông: Áp phích 4.000 tờ, 184.000 tờ rơi, 540 băng đĩa về chăm sóc sức khỏe,...

Tóm lược bài viết

Những năm gần đây, công tác truyền thông, tư vấn, vận động trực tiếp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Truyền thông là phương pháp hữu hiệu nhất nhằm giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về sức khỏe, thực hiện các hành vi bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Để có được kết quả trên, phải kể đến hệ thống TTGDSK của ngành Y tế từng bước được kiện toàn, hoạt động TTGDSK được triển khai đều đặn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Truyền hình, phát thanh, báo chí, Internet và các hình thức truyền thông trực tiếp: Tư vấn, thảo luận nhóm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề,... Các hoạt động này góp phần đáng kể trong việc cung cấp thông tin, nâng cao hiểu biết và nhận thức của các tầng lớp nhân dân về cách phòng tránh dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe.


Các bài viết liên quan