TRẦM CẢM SAU SINH
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến cả phụ nữ mới làm mẹ, đã sinh nở nhiều lần hay nhận con nuôi. Khi mắc bệnh, người mẹ không kiểm soát được cảm xúc nên thường khóc không rõ nguyên nhân và lên cơn hoảng sợ. Họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc đứa trẻ, khó chịu bực bội vì sự có mặt của con, sợ làm con đau hoặc oán giận cả gia đình rồi lại thấy tội lỗi vì chính những cảm xúc tiêu cực ấy. Trầm cảm sau sinh thường xuất hiện từ 6-8 tuần sau sinh.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về Trầm cảm sau sinh đã được tiến hành trong những năm gần đây, chủ yếu tại một số bệnh viện phụ sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ Trầm cảm sau sinh ở Việt Nam dao động từ 11,6% đến 33%.
Tác động của Trầm cảm sau sinh đến sức khỏe bà mẹ và bé
Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.
- Trẻ sơ sinh có bà mẹ bị trầm cảm tăng trưởng kém hơn so với trẻ sơ sinh của các bà mẹ không bị trầm cảm.
- Bà mẹ bị trầm cảm có khả năng cho bé ngừng bú sớm. Do đó trẻ dễ bị mắc các bệnh về tiêu chảy, truyền nhiễm.
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị trầm cảm có tính khí thất thường và ít tập trung chú ý, sẽ gặp các bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành. Không những vậy, Trầm cảm sau sinh còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mẹ và trẻ sơ sinh, nó tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ.
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị trầm cảm có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, hay khóc hơn và ít được chăm sóc hơn trẻ có mẹ không bị Trầm cảm sau sinh. Các nghiên cứu cũng cho thấy bà mẹ bị Trầm cảm sau sinh thì con của họ dễ bị bệnh truyền nhiễm hơn nếu trẻ không có đủ kháng thể trong sữa mẹ, khả năng miễn dịch kém. Điều này được giải thích bởi một phần do thời gian cho con bú ngắn hơn, một phần là do chăm sóc con kém, nhất là khâu vệ sinh và nâng cao sức khỏe cho trẻ.
Dấu hiệu trầm cảm sau sinh
Phụ nữ có các biểu hiện sau, cần nghĩ ngay đến trầm cảm sau sinh:
- Tâm trạng cảm thấy buồn, thậm chí không biết lý do vì sao buồn, vô vọng, trống rỗng, hay thấy quá tải về mọi thứ xung quanh.
- Khóc thường xuyên, khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí không biết lý do vì sao lại khóc.
- Luôn cảm thấy lo sợ, sợ hãi.
- Buồn phiền, cáu kỉnh, bồn chồn.
- Rơi vào trạng thái mất ngủ, không thể yên tâm ngủ say, hoặc ngủ quá nhiều.
- Khó khăn khi tập trung, mất tập trung, khó đưa ra các quyết định.
- Giận dữ, mất kiểm soát.
- Không quan tâm đến bản thân, thấy không còn các sở thích như ngày xưa.
- Đau đớn về cả thể chất và tinh thần, nhức đầu, đau dạ dày, đau cơ, mệt mỏi.
- Ăn quá ít, không muốn ăn, có trường hợp lại ăn rất nhiều.
- Ngại tiếp xúc với người khác, xa lánh người thân, bạn bè, thậm chí không muốn gần gũi với con.
- Không tin tưởng khả năng có thể che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng cho con.
- Xuất hiện các ý nghĩ làm hại bản thân và con.
Ảnh minh họa. Nguồn eva.vn
Dự phòng trầm cảm sau sinh
Dự phòng trầm cảm sau sinh thuộc về gia đình, xã hội và quan trọng nhất là bản thân thai phụ. Các bà mẹ sau sinh cần nhận được sự quan tâm đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần của gia đình và xã hội. Ngay từ khi mang thai, thai phụ phải biết tự cân bằng trước những stress, những tác động tiêu cực về tinh thần, đừng để lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, hãy luôn vui vẻ, yêu đời và tận hưởng thời gian đặc biệt ngọt ngào của 9 tháng thai kỳ. Dưới đây là một số cách giúp dự phòng trầm cảm sau sinh:
- Luôn trò chuyện với người thân
- Thay vì chỉ làm việc nhà, hãy đọc sách, ăn sáng trên giường và đi dạo. Hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn. Tâm sự những điều làm bạn sợ hãi và lo lắng với cô bạn thân. Luôn trò chuyện với chồng một cách cởi mở và bạn sẽ nhận được sự chân thành từ chồng.
- Tránh cảm xúc tiêu cực
- Những cảm xúc tiêu cực dù nói ra hay không đều có ảnh hưởng đối với đứa trẻ trong bụng. Vậy nên điều quan trọng là tìm được người thân hay cô bạn đồng cảm, giúp mình thoát ra khỏi những suy nghĩ không vui.
- Thư giãn nghỉ ngơi
- Các thai phụ thường được khuyên là nên nghe, đọc, xem những thứ trong sáng, nên nghĩ tới những điều tốt đẹp để em bé sinh ra cũng sẽ có những suy nghĩ, tư tưởng như thế.
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng giúp tâm trạng tốt lên, tươi mới hơn. Duy trì lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời cũng giúp thai phụ cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống.
- Để hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh, nên chuẩn bị kế hoạch sinh nở, chăm sóc con kỹ lưỡng từ trước ngày lâm bồn. Dù không chắc chắn sẽ xóa bỏ tận cùng nguy cơ, điều này giảm tác động tàn phá của trầm cảm sau sinh và giúp chị em nhanh chóng vượt qua.
Lời khuyên hữu ích cho các bà mẹ tránh Trầm cảm sau sinh:
- Không cô lập bản thân, hãy nói cho xung quanh biết về tình huống của mình.
- Khám bác sĩ hay một nhà chuyên môn về sức khỏe mà bạn tin cậy.
- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh.
- Thiết lập các mạng lưới hỗ trợ ngay khi dự định mang bầu và đón nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài.
- Hiểu về sự thay đổi cảm xúc thai kỳ, chấp nhận sự có mặt của chứng trầm cảm sau sinh.
- Không tự tạo áp lực, chấp nhận bản thân không phải là người mẹ hoàn hảo.
- Tận dụng lúc con ngủ để nghỉ ngơi, hồi sức.