Hội chứng chuyển hóa ở người cao tuổi
Thế nào là Hội chứng chuyển hóa?
Hội chứng chuyển hóa không phải bệnh đơn lẻ mà là một nhóm các vấn đề liên quan đến sức khỏe bao gồm: mỡ bụng quá nhiều, tăng triglyceride, tăng cholesterol, tăng huyết áp và tăng đường máu. Những rối loạn này góp phần tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đã cho thấy Hội chứng chuyển hóa có liên quan chặt chẽ tới béo phì và là dấu hiệu dự báo cho một số bệnh không lây nhiễm. Người bị Hội chưng chuyển hoá có nguy cơ bị các bệnh tim mạch và đái tháo đường cao gấp từ 3 đến 5 lần so với những người không bị Hội chứng này.
Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội ở nước ta ngày càng được nâng lên, khẩu phần ăn và lối sống của người dân Việt Nam những năm gần đây đã thay đổi nhanh chóng theo hướng ít vận động, ăn nhiều thịt, ít rau. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần gia tăng số người bị Hội chứng chuyển hóa ở nước ta. Sự phát triển về kinh tế, khoa học xã hội cũng góp phần làm tăng tuổi thọ của người dân, tăng tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta. Năm 2013, Việt nam chính thức bước sang giai đoạn dân số già, với tốc độ già hóa nhanh chóng. Tỷ lệ người cao tuổi tăng đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có khoảng 20-30% dân số ở các nước phát triển bị hội chứng này. Các nghiên cứu ở Việt Nam chỉ ra rằng tỷ lệ người từ 55 tuổi trở lên bị hội chứng chuyển hóa là trên 20%. Tỷ lệ mắc Hội chứng chuyển hóa ở nữ cao hơn ở nam giới và có xu hướng tăng lên theo độ tuổi.
Làm thế nào để biết mình bị Hội chứng chuyển hóa?
Khi có từ 3 yếu tố trở lên trong các yếu tố sau:
+ Có vòng bụng: Nam ≥ 90 cm, nữ ≥ 80cm.
+ Rối loạn lipid máu.
+ Tăng huyết áp
+ Rối loạn dung nạp glucose
Nguyên nhân của Hội chứng chuyển hóa?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng chuyển hóa, trong đó ít vận động thể lực là yếu tố nguy cơ quan trọng của Hội chứng chuyển hóa ở người cao tuổi. Những người ít hoạt động thể lực có nhiều khả năng bị Hội chứng chuyển hóa hơn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn quá nhiều chất béo, làm dư thừa lượng mỡ trong cơ thể, tích mỡ ở bụng, ở gan… cũng là nguyên nhân dẫn đến Hội chứng chuyển hóa.
Dự phòng Hội chứng chuyển hóa?
Hội chứng chuyển hóa là nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh bao gồm tim mạch và đái tháo đường, đặc biệt ở người cao tuổi. Do đó, dự phòng vấn đề này đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh mạn tính khác thường gặp ở người cao tuổi.
1. Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cung cấp những chỉ số máu, chỉ số cơ thể quan trọng, nhằm đánh giá nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa hay không. Việc khám sức khỏe định kỳ còn giúp người cao tuổi có được những tư vấn, điều trị kịp thời các nguy cơ của vấn đề này.
2. Chế độ ăn uống lành mạnh
Để phòng tránh Hội chứng chuyển hóa, chế độ ăn phải hạn chế những thực phẩm có hàm lượng mỡ cao như mỡ động vật, thành phần nhiều cholesteron, như trứng, bổ sung nhiều chất xơ, hoa quả, rau xanh.
Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học: Bữa ăn đảm bảo đủ thực phẩm gồm 4 nhóm chất: đạm (thịt, cá, trứng, sữa...); bột đường (cơm, cháo, phở, bún, bánh mì, bánh ngọt...); béo: chất béo trong cá, tôm, cua, hải sản, dầu thực vật); vitamin và khoáng chất: rau, củ, quả các loại. Tránh hoặc hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
3. Tăng cường vận động thể lực
Người cao tuổi nên có hoạt động thể lực từ 30 – 45 phút mỗi ngày, trung bình 5 ngày mỗi tuần và mỗi tuần khoảng 150 phút luyện tập cho các bộ môn phù hợp với sức khỏe như đi bộ, tập thể dục tại chỗ, dưỡng sinh, yoga. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo việc tập luyện đúng cách là rất quan trọng, các hoạt động thể lực nên được diễn ra liên tục ít nhất 10 phút ở mức độ hoạt động thể lực vừa như đi bộ nhanh, chạy bộ sẽ có tác dụng hơn là các hoạt động ở mức độ nhẹ và kéo dài dưới 10 phút.
Luyện tập có thể làm giảm cholesterol từ đó giảm xơ cứng và xơ vữa động mạch. Hơn nữa, luyện tập cũng làm giảm huyết áp và giảm cân từ đó giảm mức độ gắng sức cho tim. Việc tập luyện cần tuân theo nguyên tắc tăng dần, nghĩa là nên bắt đầu chậm, khởi động kỹ trước khi tập, thả lỏng người sau khi tập luyện và tăng dần cường độ và thời gian trong các ngày tiếp theo.
Trần Văn Đình - Khoa YTCC