THỪA CÂN, BÉO PHÌ Ở LỨA TUỔI TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ

Tại Việt Nam, số liệu báo cáo gần đây cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng thừa dinh dưỡng (thừa cân, béo phì) ở trẻ em. Trong khi những nghiên cứu trước năm 2015 cho thấy khoảng 10% trẻ em nhóm tuổi 10 - 15 tuổi ở tình trạng thừa cân, béo phì (như nghiên cứu tại Huế, Hải Phòng hay thành phố Hồ Chí Minh). Những đánh giá sau đó đã bắt đầu ghi nhận sự gia tăng của thừa cân, béo phì trong nhóm tuổi này. Đánh giá năm 2016 tại Hải Phòng, 17,8% trẻ em mắc thừa cân, béo phì, trong đó tỷ lệ này cao hơn ở học sinh nam so với học sinh nữ (25,6% so với 10,2%). Trong khi khảo sát tại Hà Nội cùng năm cũng cho thấy hơn 16% trẻ em độ tuổi 11 - 14 mắc thừa cân, béo phì, cao nhất ở nhóm 11 tuổi và giảm dần theo tuổi. Tỷ lệ này cũng cao hơn ở học sinh nam so với học sinh nữ và ở khu vực nội thành cao hơn so với ngoại thành.

YẾU TỐ NGUY CƠ

Có nhiều yếu tố khác nhau thúc đẩy tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em. Theo các chuyên gia, những yếu tố chính dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em bao gồm các yếu tố không can thiệp được như tuổi, giới, yếu tố gen/ di truyền; và yếu tố có thể can thiệp bao gồm các yếu tố liên quan đến hành vi, lối sống.

Các yếu tố của trẻ:

  • Các yếu tố không can thiệp được đó là tuổi, giới, gen di truyền của trẻ em.
  • Các yếu tố có thể can thiệp được bao gồm các hoạt động thể lực, hoạt động tĩnh tại, thói quen ăn uống hay hệ vi khuẩn trong đường ruột của trẻ. Trẻ lười vận động, thích ngồi một chỗ chơi điện tử, xem tivi, hay có thói quen thích ăn vặt, ăn đồ ăn nhanh, đồ xào rán nhiều dầu mỡ, thích ăn thịt mỡ, ăn đồ ngọt, uống nước ngọt có ga… có nguy cơ mắc thừa cân, béo phì cao hơn so với trẻ có cân nặng bình thường.

Các yếu tố từ môi trường gia đình: tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ còn chịu tác động từ người thân trong gia đình. Đây đều là những tác động có thể thay đổi thông qua các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi.

  • Hoạt động thể lực của cha mẹ và các thành viên sống cùng trẻ em trong gia đình. Cha mẹ là tấm gương để trẻ học tập, những trẻ sinh ra trong gia đình có cha, mẹ tích cực tham gia các hoạt động thể lực thì trẻ em có xu hướng tham gia các hoạt động thể lực nhiều hơn so với trẻ trong gia đình có cha, mẹ ít tham gia hoạt động thể lực.
  • Thói quen dinh dưỡng/ kiến thức dinh dưỡng của cha mẹ, các thành viên sống cùng trẻ trong gia đình. Trẻ nhẹ cân hay béo phì tùy thuộc vào đặc điểm hành vi và cách ăn uống và nuôi dưỡng của cha mẹ, đặc biệt là người chăm sóc chính của trẻ mà thường là người mẹ.
  • Thực hành chăm sóc trẻ: Sự nuông chiều trong thói quen dinh dưỡng của trẻ hoặc cho trẻ ăn những thực phẩm không phù hợp và/ hoặc không khuyến khích hoặc tham gia cùng trẻ trong các hoạt động thể lực, không quản lý thời gian của trẻ trong các hoạt động như xem tivi, chơi game, ngồi máy tính, nghịch điện thoại để làm yên lòng trẻ khi trẻ nghịch ngợm cũng là những nguy cơ dẫn đến thừa cân, béo phì.
  • Một số yếu tố khác trong gia đình: số con trong gia đình; số người trẻ sống chung, trẻ sống với bố hoặc mẹ, hoặc cả hai bố mẹ; bố mẹ hay anh chị em, người thân sống gần trẻ mắc thừa cân, béo phì,…

Yếu tố khác đến từ môi trường xã hội, môi trường học đường:

  • An ninh xã hội: một cộng đồng an ninh tốt, tỷ lệ tội phạm thấp sẽ thúc đẩy các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, cũng như các hoạt động thể thục thể thao trong cộng đồng. Ngược lại ở những nơi an ninh kém, tỷ lệ tội phạm cao, người dân sẽ có xu hướng ít tham gia và các hoạt động vui chơi chung, các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời.
  • Khả năng tiếp cận với các cửa hàng bán đồ ăn: mật độ các cửa hàng bán thực phẩm lành mạnh, mật độ các cửa hàng tiện lợi, bán đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, … trên đường đến trường, trong trường học hoặc quanh khu vực sinh sống có liên quan đến nguy cơ mắc thừa cân, béo phì ở trẻ em.
  • Tình trạng kinh tế xã hội tại cộng đồng nơi trẻ đang sinh sống.
  • Chất lượng và số lượng các chương trình giáo dục sức khỏe dành cho trẻ em tại cộng đồng và trong nhà trường; các hoạt động thể dục thể thao, tham quan dã ngoại, các hoạt động ca-múa-nhạc,… trong nhà trường.

Lưu Phương Dung - Khoa YTCC

 

Tóm lược bài viết

Theo các chuyên gia, những yếu tố chính dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em bao gồm các yếu tố không can thiệp được như tuổi, giới, yếu tố gen/ di truyền; và yếu tố có thể can thiệp bao gồm các yếu tố liên quan đến hành vi, lối sống.


Các bài viết liên quan