Chủ động phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em

Khám sức khỏe cho trẻ em tại Bệnh viện huyện Củ Chi. Ảnh: VĂN NGUYỄN

Thống kê trong những tuần gần đây tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, số ca trẻ em bị mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh tay, chân, miệng (TCM) gia tăng đột biến. Ngành y tế thành phố khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần thận trọng, chủ động thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa bệnh cho trẻ…

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tuần cuối của tháng 9, số trẻ bị mắc bệnh TCM tăng đến 130% số ca so với cùng kỳ năm 2017. Số trẻ nhập viện điều trị bệnh TCM cũng tăng đột biến so với những tháng trước đó. Chỉ trong một tuần, các bệnh viện thống kê có 289 trường hợp được chẩn đoán mắc TCM, trong đó có một trẻ bị chết. Riêng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện đang có 200 trẻ đang điều trị bệnh này, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 80 đến 100 ca bệnh mới. Số lượng trẻ nhập viện do bệnh TCM kỳ này được xem là đỉnh dịch nếu so sánh với những tháng và cả những năm trước đó.

Tương tự, đối với bệnh sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận hàng chục trẻ vào viện mỗi ngày. Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nguyên nhân tăng các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ thời gian gần đây là do đang vào cao điểm mùa mưa khiến cho tác nhân gây bệnh gia tăng cộng với việc nhiều phụ huynh chưa thực hiện đúng biện pháp phòng ngừa, giữ gìn vệ sinh chung cho trẻ. Dự báo, thời gian tới, các bệnh truyền nhiễm sẽ còn tăng cao, nhất là ở nhóm trẻ mầm non.

Có con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Nguyễn Thị Thu Nga, ngụ quận Bình Thạnh cho biết: “Đi học về, cháu không chơi đùa như thường lệ, rồi bị sốt, nôn ói. Gia đình đưa vào đây, bác sĩ xét nghiệm, kết luận cháu bị TCM”. Không phải phụ huynh nào cũng đưa trẻ nhập viện kịp thời như gia đình chị Nga. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì việc phụ huynh chủ quan cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị mắc TCM. Trẻ bị TCM xuất hiện nhiều triệu chứng, phụ huynh cần chú ý quan sát để có biện pháp chữa trị kịp thời. Phổ biến là: Trẻ có dấu hiệu giật mình, run tay, chân, nhịp thở nhanh bất thường… và nhiều biểu hiện khác dễ lầm tưởng với bệnh sốt thông thường. Khi trẻ đã sốt cao, thể trạng yếu mới nhập viện thì việc điều trị mất nhiều thời gian, phức tạp hơn.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 15.000 trường hợp mắc TCM, trong đó, hơn 3.000 trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Tám tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố ghi nhận 10.146 ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện. So với cùng kỳ năm 2017, tuy con số không cao hơn nhưng bệnh này lại tăng đột biến trong vài tuần trở lại đây, thậm chí có những tuần lên đến gần 700 ca. Số ca điều trị ngoại trú cũng liên tục gia tăng với hơn 400 ca mỗi tuần. Bên cạnh đó, số ca mắc bệnh sởi trong tháng 8 gần bằng các tháng trước đó cộng lại. Điều đáng nói là trong số trường hợp mắc sởi, nhiều trẻ chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ…

Trước tình hình các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em có xu hướng gia tăng trên địa bàn, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị y tế quận, huyện chủ động thực hiện biện pháp phòng, tránh dịch như: Kiểm soát và xử lý tốt các điểm nguy cơ sốt xuất huyết; giám sát các điểm giữ trẻ gia đình, không để bệnh TCM lây lan; giám sát các ca mắc bệnh sởi cũng như rà soát tình hình tiêm chủng trên địa bàn… Riêng với bệnh sởi, các quận, huyện cần tổ chức tiêm bù đối với trẻ chưa được tiêm ngừa.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý, khi thấy trẻ có những biểu hiện nổi bóng nước bàn tay, bàn chân, giật mình, khó ngủ, đi đứng loạng choạng thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm kịp thời. Cần tập trung phòng, tránh bệnh ở các trường mẫu giáo, những gia đình có con dưới hai tuổi bằng cách giữ vệ sinh ăn uống và đồ dùng, đồ chơi của trẻ, chủ động phòng bệnh, đừng chủ quan, để trẻ nhiễm bệnh rồi mới lo chữa bệnh…

TUẤN PHÚC

Tóm lược bài viết

Trước tình hình các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em có xu hướng gia tăng trên địa bàn, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị y tế quận, huyện chủ động thực hiện biện pháp phòng, tránh dịch như: Kiểm soát và xử lý tốt các điểm nguy cơ sốt xuất huyết; giám sát các điểm giữ trẻ gia đình, không để bệnh TCM lây lan; giám sát các ca mắc bệnh sởi cũng như rà soát tình hình tiêm chủng trên địa bàn… Riêng với bệnh sởi, các quận, huyện cần tổ chức tiêm bù đối với trẻ chưa được tiêm ngừa.


Các bài viết liên quan