Củng cố hệ thống giám sát côn trùng, chủ động phòng chống sốt xuất huyết
Giám sát côn trùng để chủ động phòng chống sốt xuất huyết
- Hà Nội: Chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết ngay từ đầu năm 2018
- Gia tăng lượng người lớn mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM
- Dịch sốt xuất huyết vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng tại Hà Nội
Trong công văn vừa gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế nhắc lại diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết trong năm 2017 vừa qua. Thống kê trong cả nước đã ghi nhận gần 185 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 32 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc phải nhập viện tăng gần 20%.
Trong khi đó, sốt xuất huyết là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin chưa được đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Đến nay, biện pháp phòng chống quan trọng nhất vẫn là diệt véc-tơ truyền bệnh. Đặc biệt, công tác giám sát côn trùng để dự báo và đáp ứng, xử lý chống dịch đóng vai trò rất quan trọng.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng kểm tra công tác diệt muỗi, loăng quăng
Tuy nhiên, hiện nay số lượng cán bộ làm công tác côn trùng còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu, đa số kiêm nhiệm, nhiều cán bộ có kinh nghiệm đã nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác, đội ngũ kế cận chưa đáp ứng kịp thời. Kết quả giám sát côn trùng tại nhiều địa phương còn thiếu chính xác và chưa kịp thời nên giá trị phục vụ cho công tác phòng chống dịch chưa cao. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả và bền vững, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Rà soát, kiện toàn và củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ phòng chống côn trùng các tuyến, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu, năng lực kỹ thuật trong giám sát và phòng chống côn trùng, phục vụ công tác giám sát, đáp ứng phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, cần triển khai công tác giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết chủ động ngày từ đầu năm, đánh giá các điểm nguy cơ được chỉ định để phun hóa chất diệt muỗi phòng dịch chủ động. Tổ chức triển khai hàng tuần chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết tới tận thôn/ấp, xã/phường, đặc biệt tại khu vực đang ghi nhận ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao.
Bộ cũng đề nghị các địa phương bố trí kinh phí, trang thiết bị để đảm bảo công tác giám sát côn trùng chủ động, nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát côn trùng trong công tác phòng chống dịch chủ động.