Rùng mình trước tỉ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

Tỉ lệ tử vong hàng năm do các bệnh không lây nhiễm rtá cao, chiếm đến 73%, trong số đó có đến 40% trường hợp tử vong trước 40 tuổi.

Trong nhiều năm gần đây, bệnh không lây nhiễm đang có chiều hướng gia tăng và dần trở thành gánh nặng cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra. Riêng Việt Nam, tỷ lệ số người mắc bệnh tim mạch, đột quỵ đang có xu hướng tăng mạnh và trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm.

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Nhưng tình trạng gia tăng loại bệnh này tại Việt Nam vẫn rất cao, thậm chí là ở mức báo động. Nguyên nhân là do người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, nhận thức về những loại bệnh không lây nhiễm còn kém. Cụ thể, vẫn có 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu. Nhiều người không có lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng phù hợp nên số người thừa cân béo phì tăng lên. Ngoài ra, tỉ lệ người Việt mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư, tâm thần phát hiện sớm để điều trị còn rất thấp, chỉ dưới 50%.

Nói về vấn đề kiểm soát bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng nhận định, vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng là một phần nguyên do cho sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do bệnh không lây nhiễm.

Được biết, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần.

Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Bên cạnh đó các bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài theo hướng dẫn.

Nhằm khống chế và đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định Phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 - 2025 với mục tiêu chung là khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, tâm thần, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế các cấp phải đẩy mạnh công tác phòng chống, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh không lây nhiễm, đồng thời, tăng cường công tác sàng lọc phát hiện sớm các loại bệnh không lây nhiễm, chủ động phòng ngừa đối với các loại bệnh đã có vacine phòng bệnh, tăng cường chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng.


Các bài viết liên quan