Tỷ lệ viêm gan vi rút tại Việt Nam cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương

Tại Việt Nam ước tính có gần 10 triệu người nhiễm viêm gan B và 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Đây là căn bệnh gây nguy cơ xơ gan, ung thư gan cao nhất. Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại Lễ mitting hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới (28/7) do bệnh viện Bạch Mai tổ chức sáng 24/7.

Bệnh nhân viêm gan vi rút đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai).

Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 10 triệu người nhiễm viêm gan B và gần một triệu nhiễm vi rút viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan B và C rất lớn bởi đây là căn nguyên gây ra xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, bệnh viêm gan vi rút diễn biến thầm lặng, đến 90% bệnh nhân không biết về tình trạng nhiễm vi rút của mình.

"Thêm nữa trong vấn đề điều trị, dù các thuốc mới ra đời đã giúp tỷ lệ điều trị khỏi cao hơn nhưng việc tiếp cận còn hạn chế. Như với viêm gan C tỷ lệ khỏi trên 95% nhưng chi phí điều trị còn cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Vì thế, 90% bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị", PGS Quốc Anh nói.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cảnh báo, tốc độ lây truyền của viêm gan vi rút rất nguy hiểm. Như với viêm gan B dễ lây hơn vi rút HIV gấp 100 lần. Nó có thể sống ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày và có thể lây nhiễm nếu không có kháng thể bảo vệ.

Bệnh nhân lây nhiễm viêm gan B chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con chu sinh hoặc lây ngang trong 5 năm đầu của trẻ. Bệnh cũng lây qua tiếp xúc qua tổn thương da, niêm mạc, máu, nước bọt, dịch tiết cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo,..) và một phần lây nhiễm qua các thủ thuật y tế.

Người nhiễm viêm gan B cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.

Tại khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) điều trị cho rất nhiều bệnh nhân khi tới bệnh viện khám tình cờ mới biết mình bị viêm gan B. Việc điều trị là kéo dài, cả đời khiến nhiều bệnh nhân có tâm lý bỏ điều trị, theo đuổi thuốc nam. Không ít trường hợp được đưa đến viện trong tình trạng xơ gan, suy gan nặng, không đáp ứng điều trị, không ăn uống được.

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho rằng, trong số các bệnh truyền nhiễm thì viêm gan vi rút trở thành gánh nặng hàng đầu thế giới hiện nay bởi tốc độ lây truyền cũng như quá trình điều trị lâu dài.

Với con số hơn 10 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C, thì số người bị nhiễm viêm gan vi rút tại Việt Nam gấp 40 lần số người nhiễm HIV. “Không chỉ việc mắc bệnh mà không biết dẫn đến nguy cơ lây truyền, không theo dõi điều trị, mà vấn đề điều trị cũng đang là gánh nặng, nhất là với căn bệnh viêm gan C khi mà chi phí điều trị là rất lớn", ông Khoa nói.

Giám đốc BV Bạch Mai đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp đăng ký lưu hành thuốc ở Việt Nam, đưa thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả với tỷ lệ chi trả hợp lý để hàng trăm nghìn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi.

Nguồn báo điện tử Dân trí


Các bài viết liên quan