Phòng tránh viêm não Nhật Bản trong đỉnh dịch
Theo chu kỳ, từ tháng 6 đến tháng 10 là đỉnh dịch viêm não Nhật Bản (VNNB), chỉ tính riêng 1 tuần qua, riêng Hà Nội đã ghi nhận 6 ca mắc trong tổng số 9 ca từ đầu năm tới nay. VNNB có tỷ lệ tử vong và di chứng cao, vì vậy các biện pháp phòng, tránh bệnh cần được đặc biệt chú ý, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine.
VNNB là căn bệnh có nguy cơ mắc trong mùa hè, ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm vaccine. Đặc biệt gặp phổ biến ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc. Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân VNNB nhập viện tử vong và khoảng một nửa số trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề. Biểu hiện của VNNB là sốt cao kèm theo các dấu hiệu thần kinh như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ co giật, mê sảng, vật vã hoặc li bì, rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh.
Động vật nhiễm virus có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người (các loài chim, gia súc…). Virus lây qua đường máu, trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex. Ở nước ta, loại muỗi này sinh sản mạnh vào mùa hè, đỉnh điểm là từ tháng 3 đến tháng 7. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn và đề phòng muỗi đốt.
Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng đúng lịch và đủ liều vaccine. Theo đó, mũi vaccine ngừa VNNB được tiêm đầu tiên khi trẻ đủ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Với trẻ lớn trên 5 tuổi mà chưa từng được tiêm vaccine thì cũng tiêm càng sớm càng tốt với 3 liều cơ bản và khoảng cách các mũi tương tự như trên.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế lưu ý, riêng với vaccine ngừa VNNB, nếu không tiêm đủ liều thì hiệu quả bảo vệ rất thấp. Theo đó, nếu chỉ tiêm 1 mũi đầu tiên thì gần như không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.
Từ năm 2015, vaccine VNNB chính thức được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hàng tháng. Theo đó, thay vì tổ chức tiêm chủng theo đợt diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định trong năm tùy theo từng nơi, các địa phương đã tổ chức tiêm vaccine VNNB hàng tháng cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cùng với các vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, người dân có thể đưa trẻ đến tất cả cơ sở tiêm chủng để được tiêm.
Khuyến cáo phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản đang gia tăng
Theo thông báo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến ngày 25.6, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 09 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, số mắc gia tăng nhanh trong tuần vừa qua (ghi nhận 6 trường hợp). Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh VNNB, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh sau đây:
- Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:
+ Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi
+ Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
+ Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
- Xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi.
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
- Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn báo An ninh thủ đô