Bệnh sởi và những điều cần biết
1. Bệnh sởi là gì?
- Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, gây thành dịch, lây lan qua đường hô hấp do virus sởi thuộc họ Paramyxovirus gây ra.
2. Làm sao để biết bé bị sởi?
Sau 1-3 tuần bé tiếp xúc với người bị sởi, bé có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Triệu chứng viêm long: kéo dài 2-4 ngày, bé sốt cao liên tục, viêm long đường hô hấp trên và kết mạc, đôi khi có cả viêm thanh quản, có thể xuất hiện hạt Koplik ở bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Triệu chứng toàn phát: kéo dài 2-5 ngày, bé hết sốt, bắt đầu phát ban, hồng ban dạng sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ lan dần đến thân mình và tứ chi, cả lòng bàn tay và bàn chân.
- Triệu chứng hồi phục bệnh: ban nhạt màu dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn như da hổ và biến mất theo thứ tự lúc xuất hiện. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết bệnh.
3. Bệnh sởi có nguy hiểm không?
- Phần lớn các trường hợp bé bị nhiễm sởi đều tự hồi phục, tuy nhiên sau khi nhiễm sởi, hệ miễn dịch của bé bị sụt giảm nhiều, bé có nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng kéo dài và ảnh hưởng lên sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Những trường hợp sởi có biến chứng viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm loét giác mạc, tiêu chảy cấp, viêm màng não, bé cần nhập viện để theo dõi tình trạng trở nặng của bệnh.
4. Chăm sóc bé bị sởi, bạn cần làm gì?
- Bé cần được cách ly để tránh lây lan cho mọi người
- Vệ sinh da, mắt, miệng, họng: không sử dụng các chế phẩm có corticoid.
- Dinh dưỡng tốt cho bé để tăng cường sức đề kháng.
- Hạ sốt cho bé: lau mát, uống nước nhiều, dùng paracetamol khi sốt cao
- Bổ sung Vitamin A là điều cần thiết.
- Khi bé có dấu hiệu bội nhiễm, cần cho bé nhập viện để theo dõi biến chứng.
5. Cách phòng bệnh cho bé?
- Bệnh sởi có thể phòng ngừa hữu hiệu nhất bằng cách chủng ngừa Vaccin.
- Hiện nay, mũi chủng ngừa Vaccin sởi là mũi tiêm chủng mở rộng theo chương trình tiêm chủng Quốc gia, bắt đầu cho bé từ 9 tháng tuổi, và nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Nếu trẻ chỉ được tiêm 1 mũi lúc 9 tháng, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm sởi, nhưng triệu chứng và mức độ bệnh nhẹ hơn. Bé có thể được chủng ngừa mũi sởi ở các trạm y tế xã, trung tâm y tế dự phòng của quận, huyện.
- Sau khi tiêm 2 mũi vaccin, trẻ sẽ đạt miễn dịch suốt đời.
Tóm lược bài viết
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, gây thành dịch, lây lan qua đường hô hấp do virus sởi thuộc họ Paramyxovirus gây ra.
Phần lớn các trường hợp bé bị nhiễm sởi đều tự hồi phục, tuy nhiên sau khi nhiễm sởi, hệ miễn dịch của bé bị sụt giảm nhiều, bé có nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng kéo dài và ảnh hưởng lên sự phát triển toàn diện của trẻ.
Những trường hợp sởi có biến chứng viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm loét giác mạc, tiêu chảy cấp, viêm màng não, bé cần nhập viện để theo dõi tình trạng trở nặng của bệnh.