THỰC TRẠNG MỘT SỐ HÀNH VI TÁC ĐỘNG SỨC KHỎE Ở TRẺ EM LỨA TUỔI ĐI HỌC
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự lớn lên và phát triển của trẻ dễ bị tác động của nhiều yếu tố khác nhau trong môi trường như dinh dưỡng, hành vi - lối sống, hay bệnh tật. Tác động vào các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác nhau thông qua các chương trình y tế học đường hiệu quả sẽ giảm thiểu nguy cơ sức khỏe cho trẻ em lứa tuổi đi học cũng như tăng cường khả năng phối hợp giữa các ngành khác nhau trong chiến lược nâng cao sức khỏe trẻ em.
1. Hoạt động thể lực
Hoạt động thể lực đóng vai trò quan trọng trong nâng cao sức khỏe, đặc biệt trong phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm. Theo khuyến cáo của TCYTTG, đối với lứa tuổi học sinh, cần i) Thực hiện các hoạt động thể lực với cường độ từ vừa đến mạnh ít nhất 60 phút hàng ngày; ii) Thực hiện các hoạt động thể lực hơn 60 phút mỗi ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe; iii) Nên thực hiện các hoạt động thể lực tăng cường cơ bắp và xương ít nhất 3 lần mỗi tuần.
Tuy nhiên thực tế qua các cuộc điều tra những năm gần đây cho thấy tỷ lệ học sinh tham gia các hoạt động thể lực, thể dục thể thao còn thấp trong khi thời gian dành cho các hoạt động tĩnh tại như xem ti vi, chơi điện tử lại khá cao. Điều tra sức khỏe học sinh trong trường học (GSHS) Việt Nam năm 2013 cho thấy hiện nay mới chỉ 20,5% học sinh vận động ít nhất 60 phút/ 5 ngày một tuần. 17% học sinh không đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường trong tuần. Dưới 5% học sinh tham gia các lớp giáo dục thể chất 3 ngày trong tuần. Ngoài ra, hơn 40% đã có những hoạt động tĩnh tại hơn 3 giờ một ngày như xem tivi, chơi trò chơi điện tử hay ngồi nói chuyện với bạn bè.
2. Thói quen dinh dưỡng
Dinh dưỡng học đường hiện nay đã có nhiều thay đổi. Trong khi suy dinh dưỡng đang có xu hướng giảm đi thì thừa cân và béo phì ở trẻ em lại có xu hướng gia tăng và trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng. Kết quả khảo sát ở đối tượng học sinh 11 - 17 tuổi tại Hà Nội năm 2016 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì là 16,27% (95%CI: 15,76 - 16,76), trong đó tỷ lệ thừa cân là 12,25% (95%CI: 11,80 - 12,69), và béo phì là 4,01% (95%CI: 3,75 - 4,28).
Sự thay đổi trong lối sống cũng như thói quen dinh dưỡng đã có nhiều tác động đến tình trạng dinh dưỡng ở lứa tuổi đi học. Một số thói quen dinh dưỡng có nguy cơ gây thừa cân béo phì như ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, thức ăn nhanh, uống nước ngọt có ga hay thích ăn vặt, ăn nhiều bữa, hay ăn khuya. Bên cạnh đó thừa cân, béo phì thường cao hơn ở những trẻ sống trong vùng có điều kiện kinh tế cao, gia đình khá giả mắc thừa cân, béo phì cao hơn những trẻ sống ở những khu vực có điều kiện kinh tế thấp và trong các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
3. Sử dụng đồ uống có cồn
Rượu bia và đồ uống có cồn gây nhiều tác động đến cơ thể, đặc biệt là đối với các cơ quan quan trọng như tim mạch, gan, dạ dày, não. Uống nhiều rượu bia hay đồ uống có cồn có thể gây ra các bệnh tim mạch, tăng huyết áp; các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan và có thể dẫn đến ung thư; các tổn thương đến tuyến tụy, gây viêm tụy, ung thư tụy, đái tháo đường; tổn thương đến não, gây suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ,…
Số liệu từ các cuộc điều tra đều cho thấy tỷ lệ sử dụng rượu bia/ đồ uống có cồn cao ở thanh thiếu niên Việt Nam. Theo các cuộc điều tra y tế quốc gia và các cuộc điều tra thanh thiếu niên Việt Nam tỷ lệ từng uống ở nhóm 14 -17 là 35% và 55,6% thanh thiếu niên từng uống hết cốc bia, cốc rượu lần đầu ở độ tuổi từ 15 - 18. Gần đây, khảo sát năm 2016 tại các trường ở Hà Nội cũng cho thấy tỷ lệ học sinh đã từng uống rượu/bia ở học sinh nam là 47,58% trong khi ở học sinh nữ là 30,19%. Trong số học sinh từng uống rượu, khoảng 65% uống khi chưa đến 14 tuổi và gần 70% học sinh được phép uống rượu/bia tại nhà.
4. Hút thuốc lá ở học sinh
Khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất phần lớn là các chất độc hại đối với cơ thể con người, trong đó hơn 60 chất là các tác nhân gây ung thư, đặc biệt là nicotin. Người hút thuốc có thể bị mắc các bệnh liên quan đến răng miệng, rụng tóc, giảm thính lực, đục thủy tinh thể và đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như các bệnh tim mạch, ung thư. Báo cáo của Bộ Y tế năm 2013 cho thấy 55,9% học sinh Việt Nam tuổi 13 - 17 đã từng hút thuốc lần đầu trước 14 tuổi. 4,7% đã hút thuốc nhiều hơn 1 ngày trong 30 ngày trước khi khảo sát và 2,4% đã thử hút các sản phẩm khác (shisha, thuốc lào) nhiều hơn 1 ngày trong 30 ngày trước khảo sát. Điều tra năm 2016 tại Hà Nội cũng đưa đến những kết quả tương tự khi 12,3% học sinh nam từng hút thuốc lá, cao gấp 4 lần so với học sinh nữ (3,07%) và trong số học sinh từng hút thuốc lá, 56% hút thuốc lần đầu dưới 14 tuổi.
5. Sức khỏe tâm thần
Tại Việt Nam trong những năm gần đây, vấn đề rối loạn tâm lý, stress học đường đang dần được quan tâm do những hệ quả nghiêm trọng để lại như trầm cảm, căng thẳng, kích động và tự sát. Các khảo sát gần đây qua sử dụng các bộ câu hỏi đánh giá các vấn đề tâm sinh lý trên các nhóm đối tượng học sinh đều ghi nhận các dấu hiệu trầm cảm, lo âu, căng thẳng, có suy nghĩ tự tử và ý định tự tử ở các học sinh tham gia nghiên cứu. Các dấu hiệu bất thường ở các em như im lặng, hoặc nói chuyện một mình, không muốn tham gia các hoạt động trong lớp và không quan tâm đến kết quả học tập cũng được gia đình và nhà trường phản ánh. Ngoài ra, bản thân các em học sinh cũng đưa ra các vấn đề về sức khỏe của mình khi đi học như đau đầu, mệt mỏi hay đau dạ dày và trẻ luôn cảm thấy căng thẳng trước các vấn đề ở trường học. Những rối loạn tâm lý ở lứa tuổi này có nguyên nhân chủ yếu do kết quả học tập không như mong muốn, áp lực trong điểm số, thành tích cao, áp lực khi bị so sánh, và nhận định về tương lai bất định.
6. Bạo lực học đường
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em năm 1990. Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong công tác giáo dục, cải thiện môi trường giáo dục, nhưng ngành giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đổi mặt với hiện tượng bạo lực học đường. Theo báo cáo năm 2013, 21% học sinh đã bị đánh ít nhất một lần trong 12 tháng gần đây, và 16,5% đã tham gia các cuộc đánh nhau ít nhất một lần trong 12 tháng trước điều tra. Khảo sát tại Hà Nội năm 2016 cũng đưa ra một kết quả tương tự với tỷ lệ học sinh đã từng tham gia hành vi bạo lực học đường trong vòng 6 tháng qua là 13,8%, trong đó bạo lực thể chất là 1,9%, bạo lực lời nói 12,3%, hay bạo lực mối quan hệ xã hội 1,6%.
Lưu Phương Dung - Khoa YTCC
Tóm lược bài viết
Tác động vào các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác nhau thông qua các chương trình y tế học đường hiệu quả sẽ giảm thiểu nguy cơ sức khỏe cho trẻ em lứa tuổi đi học cũng như tăng cường khả năng phối hợp giữa các ngành khác nhau trong chiến lược nâng cao sức khỏe trẻ em.
BÌNH LUẬN