BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN SỨC KHỎE
I. THỜI TIẾT, KHÍ HẬU VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
1. Thời tiết
Thời tiết là tập hợp các trạng thái của các yếu tố khí tượng xảy ra trong khí quyển ở một khu vực nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định có thể là một giờ, một buổi, một ngày hoặc vài tuần như trạng thái nắng hay mưa, nóng hay lạnh, ẩm thấp hay khô ráo.
Các yếu tố thời tiết bao gồm nhiệt độ không khí, áp suất khí quyển, gió, độ ẩm không khí...
Các hiện tượng thời tiết như nắng, mưa, tuyết, sấm sét, lốc xoáy, sương mù, giông tố...
2. Khí hậu
Khí hậu là thuật ngữ mô tả các trạng thái thời tiết đã từng xảy ra tại một nơi nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Nói một cách khác khí hậu là mức độ trung bình của thời tiết trong một thời gian dài (khoảng 30 năm).
Ví dụ Việt Nam có 3 phân vùng khí hậu rõ rệt. Miền bắc là khí hậu cận nhiệt đới ẩm ấm, miền Bắc Trung Bộ là khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền Nam và Nam Trung Bộ mang đặc điểm nhiệt đới.
3. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu được dùng để chỉ những thay đổi của khí hậu vượt ra khỏi trạng thái trung bình đã được duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là một vài thập kỷ hoặc dài hơn, do các yếu tố tự nhiên và/hoặc do các hoạt động con người trong việc sử dụng đất và làm thay đổi thành phần của bầu khí quyển
Biểu hiện của biến đổi khí hậu
Nhiệt độ trung bình tăng
- Nước biển dâng
- Thời tiết biến đổi thất thường
- Thiên tai khắc nghiệt
II. NGUYÊN NHÂN CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Có 2 nguyên nhân chính: do con người và do tự nhiên.
1. Nguyên nhân do tự nhiên
- Thay đổi vị trí Trái đất so với Mặt trời, thay đổi cường độ hoạt động của Mặt trời, sự gia tăng hoạt động của tro bụi và hơi nước…
- Tro bụi núi lửa cũng có thể làm thay đổi nhiệt độ khí quyển Trái đất.
- Sự va chạm của các thiên thạch là một nguyên nhân tiềm ẩn khác, gây ra biến đổi khí hậu mạnh mẽ trên toàn cầu.
2. Nguyên nhân do con người
- Đốt và khai thác nhiên liệu hoá thạch (xăng, dầu, than đá, khoáng sản)
- Sử dụng đất không hợp lý
- Sử dụng năng lượng một cách lãng phí
- Khai thác, chặt, phá, đốt rừng bừa bãi, đốt nương làm rẫy lặp đi lặp lại liên tục không chỉ làm thay đổi loài cây gỗ mà còn dẫn đến làm phá hủy các hợp phần khác nhau của hệ sinh thái rừng như đất, thảm cỏ, chế độ nước và kết quả cuối cùng là rừng bị phá hủy làm giảm sự hấp thụ đối với khí nhà kính.
- Chăn nuôi không bền vững: chôn lấp rác thải và chất thải chăn nuôi gia súc đã đóng góp tới 60% lượng khí CH4 thải vào khí quyển. Các quá trình tự nhiên như phát thải từ các vùng đất ngập nước chiếm 40% còn lại. N2O được sinh ra do các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu, đốt sinh khối, sử dụng phân bón và một số quá trình công nghiệp.
III. CÁC TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN SỨC KHỎE VÀ BỆNH TẬT CỦA CON NGƯỜI
1. Tử vong do nhiệt và các sự kiện thời tiết cực đoan
Tăng nhiệt độ và tăng các sự kiện cực nóng thường gây ra kiệt sức do nóng, sốc nhiệt biểu hiện thông qua các triệu chứng như cực khát, đổ nhiều mồ hôi, hoa mắt, choáng ngất, nôn, buồn nôn và đau đầu. Kiệt sức do nóng có thể dẫn tới rối loạn thần kinh trung ương, mê sảng, co giật, hôn mê, đột quỵ và thậm chí tử vong.
Các cơn bão lớn và thường xuyên, ngập lụt do mưa nhiều có thể phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng làm tăng các trường hợp tai nạn thương tích và tử vong.
2. Hen và các bệnh hô hấp do dị ứng
Biến đổi khí hậu có thể gây ra một số ảnh hưởng đến chất lượng không khí như ô nhiễm môi trường, sản sinh và làm tăng tính dị ứng của một số tác nhân gây dị ứng (phấn hoa và các bào tử nấm), tăng độ tập trung của ozon và các hạt bụi. Các ảnh hưởng này có thể gây ra một số triệu chứng như đau ngực, ho, kích ứng họng, nghẹt hoặc giảm chức năng phổi.
3. Ung thư
Biến đổi khí hậu được cho là một trong các nguyên nhân làm tăng thải các hóa chất độc hại gây ung thư vào môi trường thông qua mưa lớn hoặc ngập lụt nặng và bay hơi các loại hóa chất khi nhiệt độ tăng cao. Tầng ozon bị loãng làm tăng khả năng tiếp xúc với tia cực tím, làm tăng lượng vitamin D, sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, nhưng tăng tiếp xúc tia cực tím và nhiệt độ là những nguy cơ tăng ung thư da và thủy tinh thể. Bên cạnh đó, giảm chất lượng không khí và tập trung cao ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
4. Các bệnh tim mạch và đột quỵ
Cực lạnh hoặc cực nóng gây tăng các bệnh liên quan đến tim mạch như loạn nhịp tim, đột quỵ. Tăng sự hình thành ozon do nhiệt độ cao gây tổn hại đến thông khí phổi và gây ra tăng gánh nặng cho tim. Tăng tập trung ozon cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơn đau tim xuất hiện. Tăng số lượng các hạt phần tử do hạn hán và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác cũng gây hội chứng viêm hệ thống, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi, và rối loạn chức năng các mạch máu trong cơ thể. Ngoài ra, căng thẳng và lo âu là một trong các hậu quả của thời tiết khắc nghiệt thường có liên quan đến các cơn đau tim, đột tử do tim mạch, bệnh tim không rõ căn nguyên.
5. Các bệnh lây truyền qua côn trùng và động vật
Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh lây truyền qua côn trùng. Tăng nhiệt độ và độ ẩm làm muỗi, bọ chét, bọ ve và một số côn trùng khác phát triển. Các côn trùng này mang theo các tác nhân gây bệnh trên người như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt mò, viêm não... Trên thế giới, có khoảng 350 – 500 triệu người mắc sốt rét, gây ra khoảng gần 3 triệu trường hợp tử vong mỗi năm, chủ yếu là trẻ em. Sốt xuất huyết có khoảng 100 triệu ca mắc, với tỷ lệ tử vong khoảng 5 triệu trường hợp mỗi năm, cũng chủ yếu là trẻ em và thanh niên. Dịch hạch là bệnh lây truyền qua bọ chét, gây ra hàng triệu trường hợp tử vong mỗi năm.
6. Các bệnh lây truyền qua nước
Hạn hán có thể gây ô nhiễm nước bề mặt, thay đổi hệ sinh thái bờ biển và đại dương, thay đổi pH, dinh dưỡng làm chất lượng nước không được đảm bảo, đặc biệt là những nơi người dân sử dụng nước cho ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Ngược lại, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên sẽ gây ngập úng các cơ sở xử lý nước và chất thải, làm tăng nguy cơ các bệnh lây truyền qua nước. Biểu hiện chính của các bệnh này là tiêu chảy, mặc dù có nhiều nguyên nhân gây bệnh như tả, lỵ, thương hàn. Tiêu chảy nặng là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 ở trẻ em.