Thời tiết giao mùa, gia tăng trẻ nhập viện ở Hà Nội
Thời tiết giao mùa đã khiến các loại virus gây bệnh phát triển. Cùng với đó, trẻ mới tựu trường làm tăng mức độ lây lan các loại bệnh truyền nhiễm trong môi trường kín. Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy có sự gia tăng trẻ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
Tăng bệnh nhi mắc viêm đường hô hấp
Ngày 22/9, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, từ tháng 8 đến nay, số ca bệnh Adenovirus dương tính phát hiện tại đây tăng cao. Tổng số ca nhiễm virus Adeno ghi nhận trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%), 7 ca tử vong.
Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21/9, tổng số ca bệnh Adenovirus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỉ lệ chung trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.
Bệnh viện đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lí nền, bệnh kèm theo nặng. Đồng thời, các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh.
Phòng bệnh thông thoáng, khoảng cách giữa các giường bệnh phù hợp, theo quy định; hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, chỉ định xét nghiệm xác định căn nguyên phù hợp; kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với bệnh nhi nhẹ, bệnh nhi điều trị ngoại trú. Đồng thời phân luồng cách li kịp thời các trường hợpnghi ngờ nhiễm Adenovirus hoặc các trường hợp xác định nhiễm Adenovirus.
Bác sĩ Vũ Thị Mai, khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết: “Khoảng một tháng nay, số bệnh nhi đến viện có dấu hiệu tăng, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 90-120 bệnh nhi đến thăm khám và điều trị, trong đó có khoảng 20-30 trường hợp có chỉ định nhập viện, phần lớn là các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản… Trẻ nhập viện chủ yếu là liên quan đến các bệnh hô hấp ở lứa dưới 5 tuổi, và sốt xuất huyết ở tuổi từ 5-14, có vài ca mắc Adeno virus”. Về nguyên nhân khiến các ca bệnh viêm đường hô hấp tăng, bác sĩ Mai cho biết, sau nhiễm COVID-19 tổn thương niêm mạc đường hô hấp tạo cơ hội cho các vi khuẩn, virus khác hoạt động nhiều hơn, do vậy trẻ dễ bị tình trạng nặng hơn khi nhiễm các mầm bệnh khác.
Cùng với đó, 2 năm qua do dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng, việc uống vitamin A cũng bị chậm, nhiều trẻ bỏ uống theo đợt… cũng là tác nhân cộng hưởng khiến bệnh tăng cao.
Hiện nay là thời điểm giao mùa, trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn, trong đó có nhiều trường hợp tái đi tái lại nhiều lần. Đặc biệt là trẻ sơ sinh, các đối tượng này sức đề kháng kém, rất dễ mắc bệnh, khi mắc dễ trở nặng thành suy hô hấp.
“Nhiều phụ huynh lo lắng đưa con đến thăm khám, mong muốn được vào viện điều trị. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo sau thăm khám bác sĩ có chỉ định cho điều trị tại nhà, cha mẹ nên yên tâm nghe theo lời khuyên của thầy thuốc”, bác sĩ Mai nói.
Nhiều trẻ sốt xuất huyết nặng do người lớn chủ quan
Tại khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) đang điều trị cho 7 trường hợp bệnh nhi bị sốt xuất huyết, trong đó có nhiều tình trạng nặng. Đó là 2 trường hợp bệnh nhi tuổi 13-14 bị nặng hơn so với độ tuổi nhỏ, đang được điều trị tích cực.
Đáng chú ý là trường hợp bệnh nhi nam, 14 tuổi bị sốt ở nhà đã 5 ngày mới được gia đình đưa vào bệnh viện khám trong tình trạng bị tràn dịch ổ bụng, màng phổi, tràn dịch tinh hoàn, sần nốt dày... Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhi đã tiến triển tốt và được chuyển xuống phòng chăm sóc bình thường.
Mặc dù bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà bởi bệnh có diễn biến theo chu kì và tự khỏi, tuy nhiên, bác sĩ lưu ý các ca sốt xuất huyết nặng ở nhà chủ yếu do bố mẹ chủ quan. Khi thấy con hết sốt bố mẹ nghĩ khỏi bệnh rồi nhưng đó là giai đoạn giảm tiểu cầu, nguy hiểm.
Vì vậy, cần theo dõi tình trạng mệt của con. Nếu trẻ đau bụng, nhịp tim nhanh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Đặc biệt, trong ngày thứ 4 của chu kì nên cho con đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu để kịp thời có biện pháp chăm sóc.
“Chỉ số tiểu cầu ở mức bình thường là 140-150. Mức nguy hiểm là dưới 50, có xuất huyết một số nơi đưa trẻ phải vào viện ngay. Nhưng có thể tiểu cầu chưa giảm đến dưới 150 nhưng trẻ đã có xuất huyết thì vẫn nguy hiểm. Vậy nên để tránh những biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết, khi trẻ sốt kéo dài đến ngày thứ 4 với các trường hợp thông thường thì nên cho con đi khám, còn với những trẻ mệt nhiều thì nên cho con đi khám ngay để phát hiện kịp thời bệnh”, bác sĩ Mai khuyến cáo.
Bác sĩ lưu ý, trong chăm sóc trẻ khi mắc sốt xuất huyết, không nên cho trẻ kiêng tắm vì đấy là cơ hội để trẻ nhiễm bệnh khác như nấm. Kiêng ăn càng không nên vì không đủ năng lượng, sức khoẻ, chống lại bệnh tật cũng như để tiểu cầu không bị giảm quá (Tiền phong, trang 10, Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Nguồn báo Tiền phong