Bài học từ đại dịch Covid-19
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dịch Covid-19 thời gian vừa qua đã làm bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế không chỉ đối với ngành y tế mà trong cả chính sách lẫn cán bộ.
Ngày 8.11, tiếp tục kỳ họp 2 Quốc hội (QH) khóa XV, QH dành thời gian để thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chủ động quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của QH để kiểm soát tình hình dịch bệnh, kinh tế xã hội đạt được những kết quả nhất định.
Cần đổi mới tư duy cán bộ
Tuy nhiên, theo đại biểu (ĐB) Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được “cát cứ”…, nhưng tại một số thời điểm, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Điển hình, đặt ra những loại giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát; chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch…
Bên cạnh đó, trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn thì một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch. “Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn”, bà Hoa nói và dẫn chứng việc một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực; có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm; hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế… “Những trường hợp nêu trên tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín chính quyền”, ĐB Hoa nói.
Cùng quan điểm này, ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, nhìn nhận qua đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi. “Tôi đề nghị Chính phủ, cấp ủy, chính quyền một số địa phương có cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm, xử lý cho dân biết chúng ta nghiêm”, ĐB Vân đề nghị.
Trong khi đó, cho rằng qua thời gian thực hiện phòng, chống dịch thời gian qua, không ít cán bộ đã hiểu sai lệch chủ trương “mỗi xã phường là một pháo đài chống dịch”, chưa vượt qua được tư duy “hàng rào dây kẽm gai” là dựng rào chắn với đủ các loại ống cống, bê tông, ĐB Lê Hoàng Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy cán bộ từ T.Ư đến cơ sở.
Bài học từ hệ thống y tế yếu
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) thì cho rằng, đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua đã để lại nhiều “bài học xương máu”, đặc biệt là sự yếu kém của hệ thống y tế. Bà Lan cho rằng hệ thống y tế cơ sở tại các địa phương rất yếu khi không được địa phương chi đủ 30% ngân sách như quy định, đồng thời việc phân bổ ngân sách lại dựa trên sự phân chia địa lý chứ không theo quy mô dân cư. “Có nhiều vấn đề nhưng tôi thấy cần phải có chính sách xuyên suốt, một chủ trương, quan điểm từ Chính phủ và chỉ đạo Bộ Y tế để có chính sách cụ thể”, bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng việc chia trung tâm y tế các quận, huyện ra thành 3 phần: bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế đã làm suy yếu hệ thống y tế cơ sở, vì “đã yếu còn chia ra”. Vì thế, theo bà, điều này dẫn đến tình trạng các địa phương rất khó khăn trong điều phối nguồn lực khi phải đối mặt với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ĐB Lan đánh giá Covid-19 “là phép thử năng lực điều trị thực sự của chúng ta. Chỉ một cơn dịch qua thôi là “tan tác” hết”. Bà cho rằng hệ thống y tế công đã thiếu và yếu, nhưng đôi khi lại bỏ quên lực lượng y tế tư nhân, tức là hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế tham gia phòng chống dịch cho đúng. “Cái gì chúng ta cũng muốn bao cấp theo giá nhà nước thì y tế tư nhân không thể tham gia được”, bà Lan dẫn ví dụ và cho rằng vắc xin dịch vụ cũng là hình thức để xã hội đóng góp.
Theo bà, vấn đề hết sức quan trọng là phải thay đổi về mặt quan điểm. “Bên cạnh lỗi của mỗi người, lỗi chủ quan còn có lỗi của chủ trương, chính sách”, bà Lan tâm tư và nói thêm phải làm sao để nhân viên y tế, đặc biệt cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển về y đức, chứ không phải lúc xảy ra chuyện thì xử lý.
Bất cập trong hệ thống pháp luật
ĐB Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, cho rằng: “Những vi phạm của các bác sĩ trong quản lý, điều hành các bệnh viện công lập có những nguyên nhân từ bất cập của hệ thống pháp luật quản lý điều hành nền kinh tế hay không?”. Ông Long cho rằng một bác sĩ được cất nhắc làm quản lý, lãnh đạo một bệnh viện ngoài vấn đề chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, cơ sở vật chất, thậm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế…
“Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua?”, ĐB Long nói và cho rằng cùng với việc xử lý nghiêm các sai phạm, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công.
Đại dịch chưa có tiền lệ
Cuối phiên thảo luận chiều qua, các thành viên Chính phủ đã trao đổi, giải trình một số nội dung được ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nhưng qua hơn 1 tháng chuyển sang tình hình trạng thái mới, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. “Dự báo của chúng tôi thì hết quý 1 và đầu quý 2/2022, nếu không có diễn biến phức tạp thì khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường là đáp ứng được”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Liên quan các vấn đề phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng chống dịch như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán... “Để đối phó với đại dịch chưa có tiền lệ, các quốc gia trên thế giới cũng như VN đều phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phải liên tục điều chỉnh các chính sách, chiến lược cho phù hợp”, ông Long nói. (Thanh niên, trang 2+3; Hà nội mới, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Nguồn báo Hà Nội mới