Không khuyến cáo tiêm đại trà vaccine đậu mùa khỉ cho người dân
Không khuyến cáo tiêm đại trà vaccine đậu mùa khỉ cho người dân
Bác sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, mức độ nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam từ thấp đến trung bình. Bác sĩ Socorro Escalante nhắc lại, mới đây, Tổng giám đốc WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 14.500 ca được báo cáo với WHO từ 72 quốc gia ở tất cả 6 khu vực.
Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Thế nhưng theo vị đại diện của WHO tại Việt Nam, nguy cơ những làn sóng mới và sự gia tăng mới của ca bệnh đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể.
Về vấn đề vaccine phòng bệnh, bà Socorro cho biết WHO không khuyến cáo sử dụng vaccine tiêm đại trà cho người dân.
Bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hiên, Trưởng nhóm đáp ứng khẩn của WHO tại Việt Nam cho biết thêm, Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương có mức nguy cơ xâm nhập của bệnh từ thấp đến trung bình.
Đánh giá này dựa vào các tiêu chí: mức độ trầm trọng của bệnh, nguy cơ ca xâm nhập và nguy cơ lây lan ở khu vực. Đến ngày 21-7, khu vực Tây Thái Bình Dương có 53 ca bệnh được báo cáo từ 6 quốc gia.
Tuy nhiện vị chuyên gia của WHO cũng lưu ý, trên thế giới đang có sự gia tăng ca bệnh rất nhanh, từ hơn 3.000 ca bệnh tại 47 quốc gia vào đầu tháng 5 lên đến hơn 15.000 tính đến thời điểm này tại 72 quốc gia.
Các số liệu báo cáo kể trên có thể còn chưa đầy đủ, quy mô thực tế có thể lớn hơn những gì chúng ta thấy trên báo cáo. Đáng lưu ý, có rất nhiều ca bệnh hoàn toàn không có tiền sử đi lại đến vùng có ca bệnh. Đường lây truyền virus còn nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu.
Bác sĩ Hiên cũng cho biết, phần lớn bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có triệu chứng lâm sàng nhẹ, có thể hồi phục sau vài tuần. Tuy nhiên có trường hợp có biến chứng do chăm sóc các vết thương trên da, nốt phát ban không tốt.
Một số trường hợp diễn biến nặng ở nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch…
Đáng lưu ý là trong vụ dịch này, rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng không điển hình, không phát ban, thậm chí không triệu chứng khiến cho việc nhận biết triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán khó khăn hơn (An ninh thủ đô, trang 6).
Người mắc đậu mùa khỉ thể nhẹ có thể tự khỏi sau 2-4 tuần
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế nghiệm thu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người” vừa có cuộc họp thảo luận các nội dung và thống nhất sớm trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn này. Theo đó, hội đồng thống nhất chia các thể lâm sàng của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thành 3 thể: không triệu chứng, nhẹ và nặng. Trong đó, ở thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2-4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Ở thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch) có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn da, với biểu hiện có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục; có thể bị viêm phổi với các triệu chứng như: ho, tức ngực, khó thở. Trong khi đó, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết, WHO không khuyến cáo sử dụng vaccine đậu mùa khỉ tiêm đại trà cho người dân (Sài Gòn giải phóng, trang 11).
Nguồn báo An ninh thủ đô