Không dễ giám sát bệnh đậu mùa khỉ

Ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ gây ra, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước cần có biện pháp ứng phó như chuẩn bị năng lực chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, ngăn chặn sự lây nhiễm...

Nhiều nước (trong đó có Việt Nam) đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế, việc du nhập bệnh qua các cửa khẩu chỉ là vấn đề thời gian, chưa kể đã có sự lây truyền trong cộng đồng chưa được phát hiện. 

Giả thiết nếu dịch bệnh đậu mùa khỉ du nhập vào Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng không dễ để chẩn đoán, cách ly và điều trị.

Đo thân nhiệt, giám sát triệu chứng người nhập cảnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định đến thời điểm hiện tại địa bàn TP.HCM vẫn chưa phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nào. 

Tuy vậy, căn cứ vào các yêu cầu của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, đơn vị đã chỉ đạo cơ sở y tế trực thuộc, yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Sau nhiều cuộc họp với các đơn vị chuyên môn, ông Thượng nói TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp nhằm "đón lõng", trong đó giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức giám sát thân nhiệt và triệu chứng người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải tại các cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. 

Trong trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin và lập phiếu điều tra dịch tễ.

"Nếu trường hợp có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ, kiểm dịch viên sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi. HCDC đồng thời chịu trách nhiệm xây dựng nội dung truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh nêu trên thông báo cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn" - ông Thượng nói.

Ngoài ra, ông còn khẳng định sẽ đề nghị các đơn vị tăng cường truyền thông cho người dân biết khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất (ban đầu) để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán.

Các bệnh viện đóng trên địa bàn phải bố trí buồng khám dự phòng để khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc. Tất cả các đơn vị khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải báo cáo về HCDC trong vòng 24 giờ.

Các mẫu bệnh phẩm lấy được có thể gửi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.

Bên cạnh việc phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng - ĐH Oxford (OUCRU) nghiên cứu ca lâm sàng mắc bệnh đậu mùa khỉ (nếu có), Sở Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp kèm triệu chứng nặng; không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện tuyến dưới và các trường hợp đã xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Cần nghiên cứu thêm về phương pháp lây truyền

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh, tuy vậy tại cuộc họp trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với sự tham gia của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-7 đã thống nhất về nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và gây bệnh bất cứ lúc nào do dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, trong khi sự giao lưu đi lại ngày càng thuận tiện.

Bộ Y tế cho biết từ 1-1-2022 đến 23-7-2022, WHO đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực. Tại khu vực châu Á, các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.

Đây cũng chính là cơ sở để WHO chính thức ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu bởi tốc độ lây lan rộng "rất rõ ràng". Tuy vậy, cơ quan này cũng thừa nhận "còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus".

Với một loại dịch bệnh còn nhiều điểm chưa rõ, trước mắt Bộ Y tế đưa ra hàng loạt giải pháp "tạm thời", trong đó đáng chú ý là chỉ đạo địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, xác định ca bệnh, đồng thời tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu hoặc các cơ sở y tế. "Khuyến khích khai báo từ người dân vì bệnh thường biểu hiện nhẹ, ít phải vào cơ sở y tế, khó phát hiện qua giám sát chủ động" - báo cáo của Bộ Y tế nêu.

Không dễ giám sát

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho rằng các động thái của ngành y tế ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ là rất cần thiết, đặc biệt với TP.HCM nơi đông dân, có mật độ giao thương lớn. Tuy vậy, theo ông, bên cạnh các khuyến cáo được xem là "đương nhiên" thì việc chẩn đoán và giám sát các ca bệnh không dễ.

"Các nghiên cứu hiện nay cho thấy tỉ lệ lây nhiều nhất vẫn là thông qua quan hệ đồng tính, chứng tỏ phải tiếp xúc rất gần mới có thể lây bệnh. Điều này cũng là cơ sở đánh giá khả năng đột biến của con virus này chưa đáng kể, chưa thể tạo ra một loại dịch bệnh có thể lây ồ ạt như một số bệnh hô hấp khác. Nhưng đây là câu hỏi của 5-10 năm sau, rất cần được giám sát và giải mã" - ông Khanh đánh giá.

Để ứng phó với dịch bệnh này, theo ông, điều khó khăn nhất không phải nằm ở số ca mắc và tử vong mà ở năng lực xét nghiệm chẩn đoán bệnh chưa có sự thống nhất, rõ ràng ở các nước. Do đó cần phải có quy trình làm sao chẩn đoán đúng bằng xét nghiệm và việc xét nghiệm này phải nhanh, còn chậm sẽ không có giá trị. 

Ông nói: "Nếu không xét nghiệm nhanh để xác định mà chỉ nhìn triệu chứng lâm sàng bên ngoài sẽ không thể phát hiện được chính xác đó có phải là đậu mùa khỉ hay không".

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) - cho rằng bệnh đậu mùa khỉ cũng có nhiều nét tương đồng bệnh thủy đậu, khi trong nước chưa có ca mắc, biện pháp duy nhất để xác định là dựa vào các triệu chứng để xét nghiệm khoanh vùng khống chế nguồn lây. 

Đặc biệt cũng giống như dịch COVID-19, cần có biện pháp bảo vệ nhóm nguy cơ như mắc bệnh nền và cơ địa suy giảm miễn dịch.

Trong khi đó, một chuyên gia dịch tễ khác tại TP.HCM cũng cho rằng việc giám sát triệu chứng lâm sàng hành khách ở sân bay sẽ không mang đến nhiều giá trị về dịch tễ. Theo vị này, thay vì đo thân nhiệt, giám sát triệu chứng ở cửa khẩu, ngành y tế nên tập trung vào xét nghiệm nhanh các ca bệnh "đi lạc" ở trong các bệnh viện hoặc được phát hiện trong cộng đồng (Tuổi trẻ, trang 14; Lao động, trang 7; Thanh niên, trang 4).

Nguồn báo Tuổi trẻ

 


Các bài viết liên quan