Kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng từ sau đại dịch COVID-19
Tình trạng kháng kháng sinh trên toàn thế giới, nhất là tại Việt Nam ngày càng trầm trọng từ sau đại dịch COVID-19, gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng. Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Kháng kháng sinh: Cơ hội và thách thức" diễn ra mới đây.
Theo các chuyên gia, ngoài gánh nặng tài chính từ việc điều trị kéo dài do kháng kháng sinh, chúng ta còn phải đối mặt với khả năng trong tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ cho biết, trong năm đầu tiên của đại dịch, hơn 29.400 ca tử vong vì nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Trong số này, gần 40% bệnh nhân bị bội nhiễm kháng thuốc khi họ đang ở bệnh viện.
Ở Việt Nam, một số cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh gây ra gánh nặng trong điều trị, đời sống kinh tế xã hội… Tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh ngày càng tăng sau đại dịch COVID-19.
Giải thích cho vấn đề này, TS. Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng phải thở máy, ECMO… dẫn đến tăng tình trạng bội nhiễm, phải dùng nhiều kháng sinh phối hợp, tăng số ca kháng thuốc.
Để giảm thiểu gánh nặng do kháng kháng sinh mang lại, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đề xuất một số giải pháp hạn chế tình trạng kháng kháng sinh trong bệnh viện như tiếp tục triển khai các hoạt động đánh giá và giám sát tính kháng kháng sinh trên toàn bộ hệ thống các bệnh viện, mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn phiên giải kết quả vi sinh cho các bệnh viện thuộc mạng lưới giám sát kháng kháng sinh…
Nhiều khuyến nghị khác cũng được đưa ra bao gồm: Tăng cường công tác giám sát và quản lý thuốc trên thị trường; Chú trọng công tác đào tạo sinh viên tại các trường đại học thuộc hệ thống Y Dược; Nâng cao vai trò của cơ quan truyền thông và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng kháng sinh đúng cách…
Ngoài ra, tiêm phòng vaccine COVID-19 cũng là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ bản thân, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh gia tăng sau đại dịch.
Kháng kháng sinh là một mối nguy cơ ảnh hưởng tới toàn thế giới. Để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, cần sự hợp tác liên ngành với chiến lược tổng thể với các nhiệm vụ, giải pháp căn bản, ưu tiên.
Tầm nhìn đến năm 2045 là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc của các vi sinh vật và giảm tác động của kháng thuốc đối với sức khỏe con người, động vật và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn báo Sức khoẻ & Đời sống