Hàng ngàn điểm nguy cơ thành ổ dịch sốt xuất huyết

Những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) liên tục tăng nhanh tại TPHCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Song ở nhiều nơi, một bộ phận người dân và chính quyền địa phương lại chủ quan, lơ là. đây là nguy cơ khiến dịch có thể bùng phát mạnh hơn.

Số ca mắc tăng nhanh

Với hơn 20.000 ca mắc SXH trong 6 tháng đầu năm, TPHCM đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, khi số ca mắc tiếp tục gia tăng nhanh trong những ngày gần đây. Tại nhiều địa phương, bên cạnh số ca mắc tăng cao thì vẫn còn hàng ngàn điểm nguy cơ khiến dịch tiếp tục bùng phát trên diện rộng. Cụ thể, tại quận Bình Tân dù đã có 1.771 ca mắc SXH nhưng hiện trong cộng đồng còn hơn 1.370 điểm nguy cơ. Quận 12 cũng ghi nhận 2.167 trường hợp mắc SXH, số ca bệnh nhập viện điều trị nội trú 1.447 (chiếm 66,77%).

Tính hết tháng 6, quận 8 có 659 ca SXH (tăng 81,04% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng vẫn còn 1.633 điểm nguy cơ. Huyện Củ Chi ghi nhận 969 ổ dịch với 1.011 ca SXH được điều trị ngoại trú, trong đó có 109 ca nhiễm được điều trị tại Bệnh viện Huyện Củ Chi, 656 ca được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Huyện Hóc Môn ghi nhận 107 ổ dịch SXH, 925 điểm nguy cơ tại các xã, thị trấn và 2.007 ca sốt xuất huyết, trong đó có 1.451 ca nhập viện và 556 ca điều trị ngoại trú.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch SXH bùng phát mạnh, theo nhận định của Sở Y tế TPHCM, là do sự chủ quan, lơ là của nhiều người dân và chính quyền các địa phương. Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại nhiều khu đông dân cư, ghi nhận rất nhiều điểm chứa lăng quăng. Đó là các vật dụng, lu nước, vỏ chai nhựa… đựng đồ ăn cho gia súc, gia cầm đều có thể trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng, chứa lăng quăng.

Ông Nguyễn Văn Tư (67 tuổi, ngụ khu phố 4, phường 7, quận 8) cho biết, nơi ông sống có nhiều ca mắc SXH. Một số dự án bỏ hoang, nước đọng gây phát sinh muỗi. Bên cạnh đó, người dân sử dụng vật chứa nước không cần thiết nhưng không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế. 

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, từ đầu mùa dịch đến nay Sở Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng chống SXH tại các quận huyện và TP Thủ Đức. Một số địa phương báo cáo đã thực hiện nhiều hoạt động để phòng chống dịch SXH, nhưng khi kiểm tra thực tế thì các vật chứa còn tồn tại rất nhiều điểm phát sinh lăng quăng.

Coi chừng dấu hiệu chuyển nặng

Các bác sĩ cảnh báo, bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến rất nặng và có thể gây tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể SXH Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, SXH ở trẻ em có 2 mốc thời gian quan trọng, phụ huynh cần lưu ý. Thứ nhất, khi trẻ đột nhiên có dấu hiệu sốt cao liên tục, từ 38-400C, uống thuốc hạ sốt có bớt nhưng sau đó sốt trở lại, có thể kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi... Lúc này, phụ huynh cần nghĩ đến SXH, đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị kịp thời.

Thứ hai, với trẻ điều trị ngoại trú, ở bệnh ngày thứ 3-6, nếu trẻ hết sốt nhưng có một trong các dấu hiệu trở nặng như ói mửa nhiều lần, đau bụng, bứt rứt quấy khóc, tay chân lạnh, vã mồ hôi, bỏ ăn bỏ bú, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen, chảy máu vùng kín ở bé gái... cần được nhập viện ngay. “Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của SXH. Trường hợp chậm trễ, trẻ có thể sốc sâu, điều trị khó khăn. Trẻ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nặng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cảnh báo.  
SXH đang dần vào cao điểm mùa dịch, số mắc liên tục tăng cao, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời.

Ngày 6-7, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Phước ghi nhận hơn 2.200 ca mắc SXH, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 3 ca tử vong đều là trẻ em dưới 15 tuổi ở huyện Phú Riềng, TP Đồng Xoài. Nguyên nhân bệnh SXH tăng mạnh do mưa dày, khí hậu ẩm thấp dễ phát sinh mầm bệnh, ý thức của người dân trong phòng chống bệnh chưa cao. 
"SXH là bệnh có thể phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt" - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Thanh niên, trang 1).

Nguồn báo Sài Gòn giải phóng

 


Các bài viết liên quan