Tóm tắt các kết quả điều tra tỷ lệ hiện nhiễm HIV, hành vi nguy cơ và các hoạt động can thiệp giảm hại phòng lây nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao tại 10 tỉnh ở Việt Nam năm 2012

Để phục vụ cho việc lập kế hoạch triển khai các hoạt động can thiệp và theo dõi - đánh giá hiệu quả của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên các nhóm đối tượng nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới tại các tỉnh mới triển khai dự án Ban quản lý dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS trung ương phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương tiến hành triển khai điều tra nghiên cứu này với mục tiêu sau đây:

Mục tiêu chung của điều tra này: 

1. Mô tả tình hình nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và mại dâm.

2. Mô tả tình hình các can thiệp giảm hại đang tiến hành trên các quần thể nguy cơ cao. 

3. Xác định tỉ lệ hiện nhiễm HIV ở các quần thể nguy cơ cao (phụ nữ mại dâm và người nghiện chích ma túy). 

4. Đánh giá mức độ hành vi nguy cơ và hành vi dự phòng chính có thể thay đổi nguy cơ nhiễm HIV/STI ở các quần thể nguy cơ cao.

5. Đo lường độ bao phủ của chương trình can thiệp giảm hại dự phòng HIV ở các quần thể nguy cơ cao.

6. Ước tính kích thước các quần thể nguy cơ cao tại các tỉnh.

Sau đây là một số kết quả chính của điều tra này.

Nhóm tiêm chích ma túy: 

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao, các hành vi nguy cơ cao, độ bao phủ của các chương trình dự phòng và can thiệp rất thấp và chưa đồng đều giữa các tỉnh và các chương trình.

Nhìn chung, tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở nhóm TCMT ở các tỉnh này cao ở các tỉnh được điều tra. Đặc biệt cao nhất tại Sơn La tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở nhóm TCMT là 29,7%. 

Tỷ lệ người TCMT dùng bơm kim tiêm sạch trong lần tiêm chích ma túy gần đây nhất cao đồng đều ở tất cả các tỉnh (khoảng 95%). Thêm vào đó, tỷ lệ dùng chung BKT trong 1 tháng qua thấp. Tỷ lệ này cao hơn ở các tỉnh phía Nam, cao nhất tại Bình Dương (59,7%).

Tỷ lệ người TCMT dùng BCS trong lần quan hệ tình dục gần đây nhất khá cao nhất đối với bạn tình là PNBD (79,3%) nhưng thấp với bạn tình bất chợt (50,0%) và với vợi/bạn gái (43,2%). Đa số người TCMT đều có bạn tình thường xuyên. Chính vì vậy, nguy cơ lây nhiễm HIV từ những người  TCMT nhiễm HIV sang bạn tình thường xuyên của họ là rất lớn.

Tỷ lệ tiếp cận với các chương trình can thiệp dự phòng ở các nhóm nguy cơ cao còn rất thấp chưa đủ để có thể khống chế sự lan truyền của HIV. Tỷ lệ người TCMT nhận được BKT miễn phí trong vòng 6 tháng vừa qua không đồng đều giữa các tỉnh, đặc biệt có tỉnh còn rất thấp như ở Vĩnh Phúc (1,7%). Tỷ lệ nhận được BCS rất thấp ở hầu hết các tỉnh. Có tỉnh hầu như chưa có hoạt động can thiệp này như ở Hà Nam (2,6%), Ninh Bình (4,9%) và Vĩnh Phúc (6,2%). Tỷ lệ người TCMT được xét nghiệm HIV và biết kết quả trong vòng 12 tháng qua còn thấp ở nhiều tỉnh (trung vị: 24,2%).

Nhóm phụ nữ bán dâm: 

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV khác nhau giữa các tỉnh, bằng chứng việc TCMT ở nhóm PNBD ở một số tỉnh, Độ bao phủ của các chương trình dự phòng và can thiệp rất thấp và chưa đồng đều giữa các tỉnh và các chương trình.

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở nhóm PNBD tương đối thấp ở đa số các tỉnh trong điều tra này. Tuy nhiên, tại một số tỉnh tỉ lệ hiện nhiễm HIV ở nhóm này tương đối cao như Hà Nam (10%), Sơn La (7,1%) và Vĩnh Phúc (4,5%). 

Tỷ lệ PNBD thường xuyên sử dụng bao cao su trong 1 tháng qua với khách làng chơi (KLC) thấp và có sự khác biệt giữa các tỉnh. Tỷ lệ thường xuyên dùng BCS trong tháng qua với KLC thấp nhất ở Sơn La (22,7%) và Bình Dương (31,2%). Tỷ lệ TCMT cao ở Vĩnh Phúc (7,1%) và Hà Nam (3%). 

Tỷ lệ PNBD nhận được BCS miến phí trong 6 tháng ở một số tỉnh rất thấp (trung vị: 53,0%). Có tỉnh hầu như chưa có hoạt động can thiệp này như ở Hưng  Yên (14,6%) và Vĩnh Phúc (9,7%). Thêm vào đó, tỷ lệ PNBD được khám và điều trị STI trong vòng 3 tháng qua còn thấp ở một số tỉnh (trung vị 32,7%), đặc biệt ở Hà Nam, Hưng Yên và Sơn La đều dưới 20%.

Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới: 

Chưa có thông tin về tỉ lệ hiện nhiễm HIV ở nhóm này. Có bằng chứng hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy.

Nhiều MSM có nhiều bạn tình. Khi quan hệ tình dục với bạn tình thường xuyên là nam giới thường không sử dụng BCS. Một tỷ lệ tương đối lớn MSM có quan hệ mại dâm đồng giới. Bên cạnh đó phần lớn có dùng ma túy tổng hợp (hàng đá, thuốc lắc) hay cần sa. Các loại ma túy tổng hợp này thường dẫn đến hành vi quan hệ tình dục tập thể và không dung BCS. Một tỷ lệ nhỏ nhóm MSM có TCMT và thường dùng chung BKT khi TCMT. Đa số chưa bao giời đi khám STI. Một số rào cản như MSM không dám đến tư vấn và xét nghiệm HIV vì sợ bị nhận diện là MSM.

Kiến nghị

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao ở một số tỉnh đặc biệt là nhóm TCMT. Thêm vào đó, sự lây nhiễm HIV giữa nhóm TCMT và PNBD là rất lớn vì nhiều người TCMT có quan hệ tình dục với PNBD và nhiều PNBD có bạn tình thường xuyên là người TCMT. Độ bao phủ của các chương trình dự phòng và can thiệp vào các nhóm quần thể nguy cơ cao còn rất thấp và chưa đồng đều giữa các tỉnh và các chương trình chưa đạt được ở mức có hiệu quả. Điều này giúp cho việc lây nhiễm HIV sẽ diễn ra nhanh chóng khi bằng chứng cho thấy các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Chính vì vậy, việc triển khai các hoạt động can thiệp trên các nhóm nguy cơ cao ở những địa phương này là cần thiết và cấp bách.

Bằng chứng tỷ lệ hiện nhiễm HIV khác nhau ở các tỉnh cho thấy dịch HIV ở Việt Nam mang tính chất địa phương. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV, mức độ hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV ở các nhóm quần thể rất khác nhau giữa các tỉnh. Vì vậy, việc thực hiện các điều tra đánh giá tỷ lệ hiện nhiễm HIV/STI, hành vi nguy cơ và độ bao phủ của các chương trình can thiệp ở mỗi địa phương là hết sức cần thiết. 


 

Dương Công Thành 

Khoa HIV/AIDS


Các bài viết liên quan