Bộ Y tế: Vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em được WHO khuyến cáo sử dụng
Vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em được rất nhiều người quan tâm với băn khoăn về việc vaccine được chế tạo theo công nghệ mới liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, nhất là sức khỏe sinh sản.
Đồng Nai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh từ 15 đến 17 tuổi. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)
Hiện nay, công tác tiêm phòng vaccine cho trẻ em đang được triển khai rộng tại nhiều tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương; Cục Y tế và Cục Quân Y của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng yêu cầu cấp bách báo cáo số lượng vaccine phòng COVID-19 tiếp nhận, đã tiêm và nhu cầu năm 2022.
Đã tiêm hơn 1,1 triệu liều cho trẻ em
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay đã có 12 tỉnh thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, tiêm được hơn 1.119.000 liều vaccine là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Lào Cai.
Một số địa phương khác cũng xây dựng kế hoạch và bắt đầu triển khai tiêm chủng cho đối tượng trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn.
Địa điểm tiêm được tiến hành tại các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học và các điểm lưu động khác căn cứ vào kế hoạch của các địa phương; Tiêm tại trạm y tế hoặc điểm tiêm chủng; Tiêm tại bệnh viện cho trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu... hoặc nghe tim phổi bất thường, phản vệ độ 3 với bất cứ dị nguyên nào theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Riêng với Thủ đô, Hà Nội sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trên 790.000 trẻ, trong đó có gần 520.000 trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi và trên 272.000 trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi. Việc triển khai tiêm cho trẻ được tiến hành ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế. Dự kiến, thời gian triển khai trong quý 4 năm 2021 và quý 1 năm 2022.
Vaccine không xâm nhập trực tiếp vào hệ gene AND
Hiện nay, vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em được rất nhiều người quan tâm với băn khoăn lo lắng về việc tiêm vaccine chế tạo công nghệ mới liệu có ảnh hưởng vấn đề sinh sản, sức khỏe của trẻ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em đã được tổng kết, đánh giá và nghiên cứu. Bộ Y tế đã trao đổi với Tổ chức y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, CDC Hoa Kỳ, các nhà khoa học… và cho phép tiêm mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Vaccine được chỉ định tiêm cho trẻ nhỏ đã tiêm gần 40 nước, quốc gia, cách làm cũng tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, ở nhóm có bệnh lý nền. Vaccine duy nhất được sử dụng là Pfizer.
Về cơ chế tác động vaccine này đến cơ thể trẻ em, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Khi đưa vào cơ thể vaccine không xâm nhập trực tiếp vào hệ gene ADN chỉ xâm nhập vào bào tương, kết hợp tạo ra kháng thể, nên WHO, FDA khẳng định không gây đột biến, không gây ảnh hưởng sinh sản. Do đó, những ý kiến cho rằng tiêm vaccine gây đột biến, ảnh hưởng đến hệ sinh sản hoặc phát triển của trẻ đã được khẳng định không có. Tuy nhiên, về vấn đề này vẫn đang được tiếp tục theo dõi.”
Theo người đứng đầu ngành y tế, vaccine thứ 2 là vaccine công nghệ bất hoạt Sinopharm, được đánh giá an toàn với trẻ. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định mọi vaccine Việt Nam sử dụng tiêm cho trẻ đều an toàn, được WHO khuyến cáo sử dụng. Bộ cũng tham khảo WHO trước khi sử dụng vaccine này cho trẻ em.
Đã phân bổ hơn 112 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Vẫn theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 09/11, cả nước đã phân bổ 81 đợt vaccine với tổng số 112,7 triệu liều.
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 93.962.665 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 62.806.992 liều, tiêm mũi 2 là 31.155.673 liều.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương; Cục Y tế và Cục Quân Y của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng yêu cầu cấp bách báo cáo số lượng vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận, đã tiêm và nhu cầu năm 2022.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, để có cơ sở cho việc phân bổ vaccine trong tháng 11-12/2021 và xác định nhu cầu vaccine năm 2022, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các đơn vị khẩn trương tổng hợp, báo cáo số lượng vaccine được cấp đến ngày 31/10/2021; kết quả tiêm chủng của địa phương, đơn vị đến ngày 31/10/2021 và nhu cầu vaccine năm 2022.
"Đây là nhiệm vụ cấp bách, đề nghị các đơn vị khẩn trương tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế," phía cơ quan quản lý nhấn mạnh./.
Trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 85,5% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 43,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 77,4% và 36,1%; miền Trung là 83,1% và 27,9%; Tây Nguyên là 75,8% và 10,8% và miền Nam là 94,1 % và 57,6%. 15/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang. Có 15/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lạng Sơn, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Phước và Lâm Đồng. 24/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho từ 80-95% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Nông, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. 12/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho từ 70-80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Bến Tre, Đồng Tháp. 12/63 tỉnh còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vacine dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Sơn La, Thanh Hóa, Nam Định, Cao Bằng và Nghệ An |
T.G (Vietnam+)