Virus biến đổi làm tăng khả năng nhiễm bệnh

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 2/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số lượng, số ca mắc COVID-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gene cho thấy chủng virus mới xâm nhập vào Việt Nam có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao. GS.TS Nguyễn Thanh Long phân tích: “Về chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8 - 2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây. Đặc biệt lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều. Bên cạnh đó, có số lượng lớn người đến Đà Nẵng, đến các bệnh viện ở Đà Nẵng.

Từ 1/7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định có khoảng 1,4 triệu người. Tâm dịch lớn nhất là ở cụm bệnh viện tại Đà Nẵng (800.000 người đi qua khu vực này. Có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh). Tới đây, chúng ta sẽ phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và PGS.TS Lê Quang Cường , nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cùng chung nhận định, dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn lây lan. Đặc biệt, trong lúc này mọi người dân phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”: Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, đi trên phương tiện giao thông công cộng, trong chung cư phải có nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…

Tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Y tế báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia thống nhất cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, cần giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các địa phương.

Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị địa phương tiến hành rà soát, phân loại để cho phép cách ly trường hợp F1 tại nhà (nếu đủ điều kiện); khu vực dân cư nào có đông trường hợp F1 thì tiến hành phong tỏa cả khu; lấy mẫu sớm trường hợp F1 để xét nghiệm; khẩn trương hoàn thành bệnh viện dã chiến để điều trị các ca bệnh nhẹ…

Triển khai xét nghiệm trên diện rộng

Trưa 2/8, tại cuộc giao ban với lãnh đạo các Sở Y tế, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các chuyên gia đánh giá, nguy cơ ở Quảng Nam cũng cao khi tỉnh này ngày càng phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. “Nhưng vụ dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt. Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó” - quyền Bộ trưởng Long nói.

Ông đề nghị TPHCM lập danh sách tất cả các bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm SARS-CoV-2 đến thời điểm này, xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm này. Nơi nào đã có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai làm. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteur TPHCM để khẳng định. Thành phố không được để tình trạng người dân phải đợi 3-4 ngày mới được xét nghiệm.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, uớc tính đến thời điểm này, thành phố có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về. Hà Nội đã thực hiện test nhanh gần 50.000 người. Về năng lực xét nghiệm, thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở có ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm/ngày. Ngành y tế Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng; thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, tập huấn để đảm bảo an toàn sinh học cho các phòng xét nghiệm.

Về test nhanh, quyền Bộ trưởng cũng khẳng định, trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung. Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi.

Ngày 2/8 đội điều tra giám sát dịch của Bộ đã kiểm tra xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng là nơi có 5 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó có 2 bệnh nhân được xác định lây lan trong cộng đồng. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, đội trưởng đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế nói, hiện chưa có manh mối, không có nguồn lây, không có dấu vết. “Qua báo cáo rõ ràng tình hình rất nguy hiểm. Mầm bệnh đã chui vào cộng đồng, nguy cơ sẽ lan sang cả làng, cả xã. Chúng ta phải rốt ráo, thần tốc cách ly F1”, TS. Dương nhận  định.

Ngày 2/8, Bộ Y tế cho biết có thêm 34 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó có 1 bệnh nhân 100 tuổi. Trong ngày có thêm 3 địa phương có ca mắc đầu tiên trong cộng đồng là Hà Nam, Khánh Hòa và Ðồng Nai. Như vậy Việt Nam đã có 620 bệnh nhân COVID-19.

Cùng ngày, Việt Nam có 3 ca tử vong do COVID-19. Bệnh nhân 524, nữ, 86 tuổi, quê Quảng Nam có bệnh nền suy tim, suy thận mạn tính. Ca bệnh 475, 83 tuổi, quê  Ðà Nẵng, bị thoái hóa đa khớp nằm một chỗ 6 năm nay, đã phẫu thuật dạ dày. Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân 429, nữ, 53 tuổi có tiền sử suy tim, suy thận mạn 5,5 năm, đái tháo đường type 2, điều trị tại Bệnh viện Ðà Nẵng.

Nguồn báo Tiền phong

 


Các bài viết liên quan