Việt Nam sắp thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người: Hoàn tất thử nghiệm vào quý IV/2021, chuẩn bị đưa ra thị trường

Sau nhiều tháng huy động các nhà khoa học, sản xuất và nghiên cứu, tiến trình cho ra đời vaccine COVID-19 ở Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực, khi quá trình thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người) có thể sẽ được diễn ra ngay trong tháng 11.2020. Theo ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), sau khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, ngay trong tháng 11 và chậm nhất là đầu tháng 12.2020 sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người.

Sẽ tiêm thử nghiệm những mũi đầu tiên

Vaccine của đơn vị đầu tiên đang được Bộ Y tế xem xét phê duyệt hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (thử nghiệm trên người) là vaccine COVID-19 do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Khu công nghệ cao, quận 9, TPHCM) nghiên cứu phát triển.Theo dự định, Học viện Quân y sẽ là nơi triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên người tình nguyện đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đang xem xét hồ sơ, sau khi thẩm định cho thấy hồ sơ đủ yêu cầu sẽ phê chuẩn cho thử nghiệm trên người, khi đó sẽ chính thức thông báo tuyển chọn người tình nguyện tiêm ngừa. "Hiện khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, trong tháng 11 và chậm nhất là đầu tháng 12 tới sẽ tiến hành tiêm trên người. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa, thuận lợi nhất về thẩm định, phê duyệt để việc thử nghiệm vaccine COVID-19 được triển khai sớm nhất" - ông Quang nói.

Mặc dù, cả Việt Nam đang chờ đợi vào sự ra đời của vaccine COVID-19 "made in Việt Nam", nhưng đại diện Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo cũng nhấn mạnh rằng Bộ Y tế cũng yêu cầu nghiên cứu này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo an toàn cho người tình nguyện tham gia nghiệm vaccine COVID-19. Đơn vị thực hiện nghiên cứu lâm sàng trong suốt thời gian triển khai, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế về các yếu tố kỹ thuật cũng như đạo đức trong nghiên cứu.

Kế hoạch của nhà sản xuất là tiêm thử nghiệm trên 60 tình nguyện viên, nhưng Bộ Y tế cho biết sẽ không cùng lúc tiêm thử nghiệm trên 60 người mà chia nhỏ làm các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiêm cho 20 người, sau đó đến giai đoạn 2 sẽ dự kiến tiêm cho 400 người. Thời gian bắt đầu giai đoạn 2 là 2- 3 tháng kể từ khi người tình nguyện đầu tiên được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, cụ thể là đầu tháng 3. 2021.

"Chúng tôi sẽ cho tiêm thử nghiệm trên 1-2 người đầu tiên trong nhóm tình nguyện, chờ phản ứng và xác định tính an toàn trong 72 giờ đầu, sau đó mới tiêm tiếp cho 18-19 người của giai đoạn 1" - ông Quang nói.

Dồn tổng lực để sớm có vaccine COVID-19

Việt Nam vẫn đang dồn tổng lực nghiên cứu vaccine COVID-19, với sự chung tay của nhiều nhà khoa học, nhiều nhà sản xuất vaccine, đi từ nhiều hướng, để có thể “chạy đua” cùng thế giới trong việc sản xuất vaccine. Trong số này, nổi bật có 4 nhà sản xuất vaccine đang có nhiều tiến triển. Họ cũng tạo ra một cuộc đua mang tính chất nội bộ ở lĩnh vực này.

Bốn nhà sản xuất tham gia vào cuộc đua nghiên cứu vaccine COVID-19, đó là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Trong số này, có vẻ Nanogen - một đơn vị tư nhân đang vượt lên với những thông tin về cuộc thử nghiệm lâm sàng sớm nhất. Trong khi đó Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) dự kiến có lô thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.

Cùng đó, Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine COVID-19 trên khỉ. Đơn vị này thử nghiệm đồng thời trên khỉ và chuột. Dự kiến, sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm các xét nghiệm. Nếu Công ty VABIOTECH thúc đẩy tiến độ nhanh nhất thì cũng phải đầu năm 2021 mới có lô vaccine để thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, có một đơn vị vẫn đang "im hơi lặng tiếng", đó là POLYVAC.

Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết mục tiêu là quý IV/2021 sẽ có vaccine Việt Nam đã hoàn thành tất cả các khâu thử nghiệm, chuẩn bị cho khâu xuất hiện chính thức phục vụ nhu cầu tiêm chủng.

Trong cuộc chiến với COVID-19, ngay từ đầu, Bộ Y tế đã khẳng định không có "vùng cấm" nào trong khoa học, các đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân đều được tạo điều kiện như nhau, trong quá trình nghiên cứu và phát triển một loại vaccine đại dịch, cùng hướng đến mục tiêu lớn là an toàn cho Việt Nam.

Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một đơn vị tư nhân khi họ là nhà nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các tiến bộ của ngành công nghệ sinh học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam trong việc sản xuất nguyên liệu Dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/ protein tái tổ hợp hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Nếu không chủ động vaccine, sẽ hết sức tốn kém

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tham gia liên minh được quyền ưu tiên tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, ngay sau khi vaccine của các nhà sản xuất cán đích đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Khi tham gia Liên minh này, Việt Nam có thể mua được vaccine với giá ưu đãi - khoảng 5 USD/mũi tiêm. Giả sử nếu tiêm 2 mũi, mỗi người tiêm cần 10 USD. Như vậy, nếu như không chủ động được vaccine, với dân số như Việt Nam, chi phí tiêm ngừa vaccine cho toàn dân sẽ là 1 tỉ USD/năm - một con số quá lớn và khó khả thi để có thể đáp ứng. 

Nguồn báo Lao động

 


Các bài viết liên quan