Vi rút gây dịch COVID-19 có thể sẽ tồn tại lâu dài trong cộng đồng

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.

Cơ bản vẫn đang được kiểm soát nhưng khó dự báo

Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện.

Về dịch Covid-19 tại VN, từ đầu dịch (tháng 1.2020) đến nay, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc và trên 43.000 trường hợp tử vong. Trong thời gian tới, dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Cùng với đó, các tác nhân gây bệnh, các chủng vi rút cúm xuất hiện, biến đổi liên tục làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin.

Trong nước, tình hình dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, không có ca tử vong do Covid-19. Nhưng với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Về số ca mắc Covid-19 gia tăng trong tuần gần đây, ngày 12.4, trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá: "Chúng ta xác định SARS-CoV-2, vi rút gây bệnh dịch Covid-19, vẫn đang tồn tại và thậm chí sẽ là lâu dài chứ chúng không biến mất. Trong khi đó, miễn dịch của người sau tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 đã giảm. Thời tiết giao mùa hiện rất thuận lợi cho vi rút phát triển, đặc biệt ở miền Bắc; mật độ đi lại, tiếp xúc gia tăng là các yếu tố rất thuận lợi cho lây nhiễm Covid-19".

Nhiều nơi có nguy cơ cao không sử dụng hết vắc xin

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), tháng 2 vừa qua, Viện đã phân bổ 832.900 liều vắc xin AstraZeneca (hạn sử dụng ngày 9 - 11.7.2023) cho 63 tỉnh thành để tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh thành, đến ngày 12.4.2023, toàn quốc đã tiêm được khoảng 266 triệu mũi vắc xin Covid-19, trong đó có 51,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm liều nhắc lại (mũi 3), đạt tỷ lệ 81%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều trên cả nước và vẫn có nhiều địa phương dưới 80%. Trong khi đó, số vắc xin AstraZeneca hiện còn tại các tuyến (chưa bao gồm 204.400 liều dự trữ tuyến quốc gia) là khoảng 300.000. Tốc độ sử dụng vắc xin AstraZeneca trong 8 ngày đầu tháng 4 này chậm, với trung bình khoảng hơn 1.000 mũi/ngày, dẫn tới nguy cơ cao không sử dụng hết vắc xin.

Để tăng độ bao phủ và sử dụng hiệu quả vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đề nghị sở y tế các tỉnh thành báo cáo, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương chưa đạt tỷ lệ mục tiêu tối thiểu 80%, sử dụng hiệu quả số vắc xin AstraZeneca đã phân bổ cho các tỉnh thành.

Theo thông báo của Bộ Y tế, số mắc Covid-19 có xu hướng tăng liên tục trong 4 ngày gần đây (8 - 11.4), với 44 - 183 ca mắc mới/ngày, so với các tuần trước đó ghi nhận khoảng 10 - 40 ca/ngày. 

Theo Bộ Y tế, phòng chống dịch vẫn tuân thủ vắc xin, khử khuẩn, vệ sinh tay và đeo khẩu trang cùng các biện pháp khác theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Hiện về số ca bệnh nặng do Covid-19 vẫn chưa ghi nhận bất thường. Tuy nhiên, người dân không chủ quan, cần đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu trở nặng.

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan