Vào tâm dịch bạch hầu

Cả tháng qua, khi dịch bạch hầu bùng phát tại cụm 12 với 3 ca mắc, anh Trà và đồng nghiệp không về nhà mà lăn lộn ở đây và các thôn, lùng sục từng nóc nhà tìm người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Sau 4 giờ vừa chạy xe máy vừa cuốc bộ băng rừng, leo đồi lội suối, PV Thanh Niên mới có mặt tại cụm 12, xã Đắk R’măng, H.Đắk G’long (Đắk Nông). Đây là một trong những tâm dịch bạch hầu của Tây nguyên và cũng có người tử vong vì dịch bệnh quái ác này. Đó là bệnh nhi xấu số G.A.P (13 tuổi) tử vong do bạch hầu vào ngày 3.7, và cụm 12 cũng là khu vực xa nhất của H.Đắk G’long. Suốt đoạn đường đi chúng tôi chỉ cầu một điều là… đừng mưa.

Băng rừng lội suối chống dịch

8 giờ 30 phút sáng 16.7, ông Giàng A Giáo, trưởng cụm 12, xã Đắk R’măng (có nhà và rẫy ở cụm 6) đang làm rẫy, nghe tin chúng tôi đến cụm 6 để xuất phát vào cụm 12 nên chạy về nhà tiếp đón. Ông cho chúng tôi mượn 2 chiếc xe máy trông rệu rã, trong đó có một chiếc đầu xe chỉ còn cây sắt với ống tay ga.

Con đường vào cụm 12 khoảng 20 km trong rừng núi men theo triền đồi, có chỗ dốc dựng đứng, chỗ chúi mũi như vực sâu nên xe máy chúng tôi chạy với tốc độ “rùa bò”. Gọi là con đường cho sang, chứ thật ra triền núi rộng chừng 30 - 40 cm vừa đủ cho bánh xe lăn... Xe trước nối đuôi xe sau, chạy theo lằn ranh có sẵn, nếu có xe lưu thông ngược chiều thì một xe phải dừng lại. Lúc nào chúng tôi cũng dán mắt trước mũi xe, tập trung cao độ, nếu sơ ý thì tính mạng khó bảo toàn bởi vực sâu chờ chực.

Anh Hoàng Hải Quang, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm y tế H.Đắk G’long (người dẫn đường), kể rằng anh em vào đây bị “đo đường” là chuyện cơm bữa, người thì sứt đầu mẻ trán, người thì trật tay, chân. Những lúc đi gặp trời mưa, xe không thể lên xuống dốc vì sợ trượt. Nếu muốn xuống dốc thì cột dây để người phía sau kéo lại; còn lên dốc thì một người đẩy một người kéo lên... Nên vào cụm 12 là phải đi 2 - 3 xe với dụng cụ dao rựa, mùng, mền, áo mưa, dây dù để hỗ trợ nhau, chứ không thể đi một mình. Gạo, mắm muối là thứ không thể thiếu vì phải ở dài ngày trong đó.

Đây là mùa làm ruộng cấy lúa của người H’Mông nên cứ đi một đoạn, thấy trẻ em làm ruộng cùng cha mẹ là anh Quang dừng lại, chạy xuống kiểm tra xem các bé đã tiêm phòng bạch hầu hay chưa. Khi đã kiểm tra kỹ và chắc chắn các bé đã tiêm thì anh mới yên tâm trở lại xe cùng chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.

Lần đầu đi rừng, chúng tôi mất gần 4 giờ đồng hồ vừa đi vừa nghỉ thở, vừa đẩy xe mới đến được điểm tập kết cụm 12 ở một nhà dân. Chúng tôi phờ phạc, mệt nhọc, quần áo, giày dép dính đầy bùn đất.

Đoàn cán bộ y tế xã Đắk R’măng và Trung tâm y tế H.Đắk G’long vào cụm 12 mang theo vắc xin phòng bạch hầu đã đến trước chúng tôi. Những phần cá khô đù, khô nục là quà chúng tôi chuẩn bị cho các em ở đây cũng được trai làng vận chuyển đến nơi. Bữa cơm trưa rau rừng, mì tôm... rộn tiếng cười.

“Trận chiến” giữa rừng sâu

Xã Đắk R'măng có 9.500 nhân khẩu, riêng cụm 12 là 350 người với 66 nóc nhà. Cụm 12 quản lý bằng việc đánh dấu số thứ tự nóc nhà và số người trong từng nhà đó. Cụm 12 giáp xã Phi Liên, H.Đam Rông (Lâm Đồng) chỉ cách một con suối nhỏ.

Sau bữa cơm trưa, cán bộ y tế chở 2 bao cá khô mà chúng tôi chuẩn bị để tặng các bé sau khi tiêm vắc xin. Cứ đến nhà nào thì anh Phạm Anh Trà, Trưởng trạm y tế xã Đắk R’măng, cũng dừng lại, ghé vào hỏi thăm nhắc nhở vận động người dân đi tiêm vắc xin phòng bạch hầu.

Ở cụm 12, người H’Mông không sống tập trung mà sống thành cụm nhỏ 5 - 10 nhà, mỗi cụm ở cách nhau 3 - 4 km men theo con sông, con suối. Nói 3 - 4 km nghe thì gần nhưng di chuyển thì tốn khá nhiều thời gian vì đường quanh co, uốn lượn.

Trên đường đi, cán bộ y tế vào từng nhà, dò hỏi ai đã tiêm, ai chưa tiêm vắc xin. Ngặt một nỗi, toàn đàn bà, con gái và trẻ em ở nhà nên công việc quá khó khăn, phần thì họ không biết nói tiếng Việt mà cán bộ thì không biết tiếng H’Mông, phần thì đàn bà hỏi gì cũng không trả lời mà phải chờ... chồng về. Cán bộ y tế phải nhờ những người H’Mông biết tiếng Việt phiên dịch.

Từ 14 giờ 30 - 17 giờ 30, đoàn vẫn chưa tiêm xong vì còn một cậu bé 8 tuổi con của A Dế đi... câu cá chưa về. Nhưng tìm hiểu ra thì cán bộ y tế mới vỡ lẽ do cậu bé thấy các bạn tiêm khóc nên sợ bỏ đi chơi, không dám về. Sau nhiều lần cán bộ y tế thuyết phục, giải thích về lợi ích từ việc tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu, đến gần 19 giờ, vợ chồng A Dế mới giục con về chích ngừa.

Trên đường trở về, đoàn vào nhà Thào Văn Sình ở sâu trong rẫy cà phê để tiêm cho 3 đứa con của anh này. Chúng tôi rời nhà Thào Văn Sình thì đã 20 giờ. Đường tối om, hai con “ngựa sắt” lại bám đuôi nhau vượt suối, vượt dốc xuyên rừng. Về đến điểm tập kết, trong khi anh em vệ sinh cá nhân thì anh Quang chạy lòng vòng trung tâm cụm 12 thông báo bà con sáng mai ở nhà tập trung tiêm vắc xin. Bữa cơm tối của chúng tôi và đoàn cán bộ y tế đi tiêm vắc xin kết thúc lúc 22 giờ.

“Người hùng” áo blouse quên mình

Trong đêm giữa rừng sâu, các cán bộ y tế chia sẻ việc tiêm vắc xin phòng bạch hầu cho bà con khó đạt 100% như kế hoạch, đạt 95% là mừng. “Hiện khó khăn là người dân tộc chưa nhận thức về phòng bệnh, không chỉ vấn đề vệ sinh mà còn là việc tiêm vắc xin. Thứ đến, không chỉ họ sống ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận mà còn bất đồng về ngôn ngữ. Sau ca bạch hầu tử vong, tâm lý dân sợ hơn trước, nhưng vẫn còn một ít người đã bỏ lên nương rẫy, đi làm ăn xa chưa về nên sẽ tiêm vét khi họ về”, một cán bộ y tế nói.

Nhưng cái khó không chỉ về ý thức người dân mà còn cả về nhân lực. Địa bàn xã quá rộng, cả xã 18 thôn nhưng hiện trạm y tế thiếu cán bộ y tế, chỉ có 6 cán bộ y tế cơ hữu và 8 cán bộ y tế thôn bon. Khi dịch đến, trạm y tế phải gánh vác từ khâu truyền thông cho đến chích ngừa...

Cả tháng qua, khi dịch bạch hầu bùng phát tại cụm 12 với 3 ca mắc và hiện còn nhiều ca nghi ngờ, anh Trà và đồng nghiệp không về nhà mà lăn lộn ở đây và các thôn, lùng sục từng nóc nhà tìm người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Trong ba lô các cán bộ y tế đeo hằng ngày trên vai là chiếc áo blouse, ống nghe, bơm kim tiêm, cồn sát khuẩn. Giữa rừng sâu, không điện đài, không nước sạch, không hàng quán… thế nhưng họ vẫn miệt mài chống dịch bạch hầu. Đến nay, dịch bạch hầu tại cụm 12 đã tạm yên, nhưng nguy cơ tái phát vẫn hiển hiện. Anh Trà nói, khi nào cảm thấy yên lòng về dịch thì sẽ ra khỏi rừng.

Hôm sau, chúng tôi về, hình ảnh các cán bộ y tế ngày đêm băng rừng chống dịch bạch hầu mà chúng tôi mắt thấy tai nghe cứ quanh quẩn tâm trí. Họ chấp nhận sống và cống hiến như vậy chỉ có thể lý giải là do lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm rất cao. 

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan