Vắc xin nội Covivac: Thêm người thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2

Vắc xin nội Covivac: Thêm người thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2

Chiều 19/8, thêm 19 người tình nguyện ở Vũ Thư, Thái Bình đã được tiêm thử nghiệm vắc xin COVIVAC (do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế - IVAC nghiên cứu sản xuất) giai đoạn 2. Trong 2 ngày 18-19/8, đã có tổng cộng 131 người được tiêm thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 2.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 được triển khai ở huyện Vũ Thư, Thái Bình với 375 người tình nguyện. Mục tiêu của giai đoạn 2 thử nghiệm vắc xin COVIVAC nhằm đánh giá tính an toàn và khả năng dung nạp của hai công thức 3mcg và 6mcg được lựa chọn. Mỗi tình nguyện viên được tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày.

375 người này được chia thành 3 nhóm tuổi gồm: từ 18-39 tuổi; từ 40-59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên, chia thành 3 nhóm để tiêm thử nghiệm ngẫu nhiên tỷ lệ 1:1:1, gồm: 125 người tiêm vắc xin COVIVAC mức liều 3mcg, 125 người tiêm vắc xin COVIVAC mức liều 6mcg và 125 người tiêm vắc xin AstraZeneca.

Tại buổi kiểm tra tiêm thử nghiệm vắc xin COVIVAC của Bộ Y tế tại huyện Vũ Thư, Thái Bình, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá việc COVIVAC triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu mức biến chuyển mới, tăng trưởng mới trong nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19 ở Việt Nam.

Bộ Y tế khẳng định sẽ thúc đẩy rút gọn tối đa các thủ tục hành chính, đồng thời huy động nhiều nhà khoa học, nghiên cứu nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu, sản xuất vắc xin để hỗ trợ IVAC, làm sao có thể tiến hành nghiên cứu nhanh nhất, chặt chẽ, khoa học.

Dự kiến tháng 11 sẽ có kết quả của giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đánh giá ngay, nếu kết quả tốt, chọn được liều phù hợp và khẳng định được tính sinh miễn dịch bước đầu sẽ cho triển khai ngay giai đoạn 3.

Kết quả ban đầu của giai đoạn 3 dự kiến có vào tháng 12. "Trong trường hợp an toàn, tính sinh miễn dịch cao, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả thì bước đầu đề xuất Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét, cấp phép trong thời gian khẩn cấp để chúng ta có ngay vắc xin dùng trong nước”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.

Bên cạnh nỗ lực nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế cũng đang nỗ lực tối đa để đưa vắc xin về nước sớm nhất, nhiều nhất có thể cho người dân. Dự kiến trong tháng 8 và 9, có khoảng 10-15 triệu liều/tháng. Trong quý IV/2021, dự kiến lượng vắc xin về Việt Nam nhiều hơn, có thể từ 20-50 triệu liều/tháng. “Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, sẽ bao phủ được vắc xin COVID-19 cho 75% dân số”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh. (Tiền phong, trang 3)

Astrazeneca cam kết đẩy mạnh cung ứng vắc xin cho Việt Nam

Chiều 19.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot về hợp tác vắc xin.

Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của AstraZeneca trong cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu cũng như công tác phòng chống dịch tại Việt Nam (VN).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng đề nghị Tổng giám đốc AstraZeneca quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao vắc xin cho VN. Thủ tướng cũng đề xuất và mong muốn AstraZeneca xem xét, trao đổi với các nước khác để được vay, nhượng lại số vắc xin hiện chưa có nhu cầu sử dụng; đồng thời xúc tiến các hợp đồng vắc xin dành cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, những người có nguy cơ cao, có bệnh nền.

Tổng giám đốc AstraZeneca Pascal Soriot cam kết sẽ cung ứng vắc xin theo đúng kế hoạch, đồng thời tăng thêm số lượng phân bổ vắc xin cho VN trong tháng 8 từ nguồn của tập đoàn và các nguồn khác. 

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan