Ứng phó nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ

Dù Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, nhưng việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu cho thấy nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất cao. Hơn nữa, dịch bệnh này đã xuất hiện ở một số quốc gia trong khu vực, trong khi sự giao lưu đi lại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đang tăng trở lại.

Tốc độ lây lan nhanh 

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, nên có tên là “bệnh đậu mùa khỉ”. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 tới ngày 23-7, WHO ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (trong đó có 5 trường hợp tử vong) tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực trên thế giới. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 1/3.000, nhưng số này chưa thực sự thống kê hết.

Mới đây, WHO đã quyết định công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.

Lây nhiễm qua tiếp xúc

 Đại diện của WHO cho biết, đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi, hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. 

Việt Nam hiện nay đang được WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. 

Tuy nhiên, bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. “Chúng ta cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế, những người có nguy cơ cao”, bác sĩ Hiên khuyến cáo. 

Lưu ý các biểu hiện, biến chứng

 Theo WHO, biểu hiện triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban (có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn). Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0%-11%. 

Bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần, nhưng cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban, nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não. Vì vậy, theo bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để khi có ca bệnh thì sẽ hạn chế tối đa tốc độ lây lan cũng như tử vong. Về sinh phẩm xét nghiệm, hiện nay, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số sinh phẩm nhất định và sẽ được chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM trong thời gian tới. 

Chuẩn bị các kịch bản ứng phó

 Trước các nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập nước ta rất cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương.

“Chúng ta cần tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu, đặc biệt là khách đến từ các quốc gia đang có dịch. Đồng thời cần xây dựng các kịch bản đối phó. Việt Nam chưa có ca bệnh nhưng phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng…”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ. 

Về năng lực xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, đang chờ hỗ trợ về sinh phẩm xét nghiệm từ WHO, nhưng theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, có thể dùng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Do vậy, yêu cầu củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định tại các viện vệ sinh dịch tễ trong cả nước và đề nghị nhanh chóng hoàn thiện quy trình xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ. Về chẩn đoán, do Việt Nam chưa có bộ kit test đậu mùa khỉ, trước mắt dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng.

Đối với công tác điều trị, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, đã có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Ngay trong tuần này, cục sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế.

“Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như: nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng”, TS Nguyễn Trọng Khoa thông tin (Sài Gòn giải phóng, trang 4; Tiền phong, trang 6).

Nguồn báo Sài Gòn giải phóng

 


Các bài viết liên quan