Truy vết F1 một cách thần tốc

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến trưa 18/8, Hà Nội còn 18.333 người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15/7 ở 14 quận, huyện chưa được lấy mẫu xét nghiệm. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần tích cực xét nghiệm PCR, đồng thời kết hợp xét nghiệm huyết thanh để tìm ra con vi khuẩn chứ không phải tìm ra kháng thể thì mới ngăn chặn được nguồn lây... Liên quan đến ổ dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, đến nay cả nước đã có 505 ca bệnh trong cộng đồng ở 15 tỉnh, thành. Hai tỉnh phía Bắc liên tục xuất hiện ca bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng là Hà Nội (11 ca, trong đó có 2 ca mắc thứ phát) và Hải Dương (12 ca). Đặc biệt, Hà Nội đã xuất hiện ca bệnh dương tính từ Đà Nẵng trở về 22 ngày và trước đó đã xét nghiệm nhanh âm tính. Đến nay, Hà Nội còn gần 20 nghìn người ở Đà Nẵng về từ ngày 15/7 chưa lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.

Nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ chậm như hiện nay, việc xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng là điều đương nhiên.

Liên tiếp các ca bệnh trong cộng đồng được phát hiện ở một số địa phương có liên quan tới người đi từ Đà Nẵng về khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Đặc biệt ca bệnh thứ 11 của Hà Nội là bệnh nhân 979 (trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đi du lịch cùng gia đình và cơ quan chồng tại Đà Nẵng về từ ngày 25/7.

Bệnh nhân này cùng 3 người trong gia đình (chồng, con) được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh cho kết quả âm tính. Sau đó, người bệnh đã đi làm, đi liên hoan ở nhiều nơi với nhiều người trong công ty chồng và bạn bè, người thân. Đến ngày 16/8, bệnh nhân mới được Trung tâm Y tế quận Tây Hồ lấy mẫu dịch hầu họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm RT-PCR. Ngày 17/8, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây là ca bệnh trong cộng đồng có sự di chuyển đi lại và tiếp xúc với nhiều người trước khi được phát hiện mắc bệnh mà không có triệu chứng.

Trước đó, từ ngày 8/8, Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 70.000 người từ Đà Nẵng về và Bộ Y tế giao cho 4 đơn vị của Trung ương hỗ trợ toàn diện xét nghiệm. Đến nay đã 10 ngày trôi qua, vẫn còn hàng nghìn người chưa lấy mẫu xét nghiệm.  

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, tốc độ xét nghiệm hiện còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu sàng lọc toàn bộ. Theo ông Nhung, ngày 8/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo, những người từ Đà Nẵng về sau ngày 15/7 sẽ được xét nghiệm RT-PCR, còn người về từ ngày 7 đến 15/7 thì xét nghiệm huyết thanh để tìm người đã mắc và đã khỏi, từ đó truy tìm người tiếp xúc, mục tiêu là không bỏ sót ca bệnh nghi ngờ.

Theo ông Nhung, dự báo từ đầu đợt dịch lần này, nếu xét nghiệm một cách tổng thể thì Hà Nội có khoảng 10 trường hợp mắc COVID-19 khác nhau, như vậy chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nhưng đến nay số mắc đã lớn hơn dự đoán, nhưng chúng ta vẫn chưa xét nghiệm PCR hết. Tốc độ lấy mẫu hình như chưa đáp ứng được yêu cầu, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội đã lấy mẫu cho khoảng 50% tổng số trường hợp về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 để xét nghiệm RT-PCR. “Các trường hợp có nguy cơ cao được ưu tiên lấy mẫu sớm chúng tôi đã làm xong. Đó là những trường hợp có triệu chứng  sốt, ho khi từ Đà Nẵng về trong vòng 14 ngày. Các trường hợp còn lại chúng tôi tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc”, ông Tuấn nói.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến trưa 18-8, Hà Nội còn 18.333 người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15/7 ở 14 quận, huyện chưa được lấy mẫu xét nghiệm. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần tích cực xét nghiệm PCR, đồng thời kết hợp xét nghiệm huyết thanh để tìm ra con vi khuẩn chứ không phải tìm ra kháng thể thì mới ngăn chặn được nguồn lây, giúp cho việc truy tìm, truy vết. Tuy nhiên, để làm được điều đó là cả một sự gian khổ của hệ thống y tế.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt đứt đường lây truyền, phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng. Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19. F1 chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.

Chính vì vậy, theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1. 

Nguồn báo Công an nhân dân

 


Các bài viết liên quan