Triển khai nhiều biện pháp ứng phó bệnh bạch hầu
Triển khai nhiều biện pháp ứng phó bệnh bạch hầu
Theo TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu giải pháp bền vững và an toàn nhất là sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương trong triển khai tiêm chủng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngày 13-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến nay trên địa bàn 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum đã ghi nhận 78 ca mắc bệnh bạch hầu.
Trong đó, Đắk Nông là địa phương ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 29 trường hợp, tiếp đó là Kon Tum có 26 trường hợp, Gia Lai là 20 trường hợp và Đắk Lăk ghi nhận 3 trường hợp.
Qua phân tích, điều tra dịch tễ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, trong số 78 ca bệnh này có tới 26 ca không có biểu hiện triệu chứng. Nghĩa là người lành mang vi trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
Theo TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu giải pháp bền vững và an toàn nhất là sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương trong triển khai tiêm chủng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó, cần tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở nâng cao nhận thức về căn bệnh nguy hiểm này để phát hiện sớm, xử lý nhanh ổ dịch, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác.
Để nâng cao hiệu quả điều trị, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu. Theo đó, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên.
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh, kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bằng vaccine.
Hướng dẫn cũng nêu rõ, tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng quyết định lập 4 tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum.
Vì sao dịch bạch hầu bùng phát ở Đắk Nông?
Tỉnh Đắk Nông đang dẫn đầu Tây Nguyên về số người mắc bệnh bạch hầu (30 ca) lẫn tử vong (2 ca).
“Không nghe cán bộ nào thông báo”
Theo báo cáo của ngành y tế, dịch bạch hầu xuất hiện chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tạo thành vùng lõm khiến ngành y tế tập trung tiêm vắc-xin phòng bệnh cho nhiều đối tượng nhằm dập tắt dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, dịch bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp. Phóng viên Tiền Phong đã về những nơi này để tìm hiểu do người dân từ chối hay cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm.
Tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô cách TP. Gia Nghĩa hơn 70 cây số (nơi có 8 ca dương tính với bạch hầu), phóng viên gặp anh Triệu Văn Phây (dân tộc Dao, thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú). Anh Phây kể, nhà có 6 người con, đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa út vừa lên lớp 1. Các con của anh chưa từng được tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào, trừ con trai út được tiêm 1 mũi viêm não Nhật Bản cách đây 2 năm khi theo học mầm non.
“Nhiều năm qua, tôi không nghe cán bộ nào thông báo cho con đi tiêm. Ở đây cũng có y tế thôn buôn, nhưng tôi không biết mặt mũi của họ, cũng không nghe thông báo lịch đưa con đi tiêm. Trong các buổi họp, trưởng thôn cũng không nhắc tới việc này. Tôi đã nghèo lại không biết chữ khổ lắm. Làm cái gì mình cũng phải nhờ người khác rất phiền. Nay, tôi đang học 1 lớp xóa mù chữ để kiếm cái chữ thôi”, anh Phây nói.
Tương tự, 2 con của chị Giàng Thị Dở (người Mông, cụm Sình Cọ, xã Quảng Phú) cũng không tiêm đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chị Dở nói: “Nhà mình cách trung tâm xã Quảng Phú hơn 20 cây số. Mỗi lần ra trạm xá xa quá vất vả lại không thấy ai thông báo cho con đi tiêm nên mình im luôn. Về sau sắm được chiếc xe máy, mình chở con ra Trạm Y tế xã Quảng Hòa (thuộc huyện Đắk G’long) tiêm cho gần nhưng chỉ được 1 mũi. Tháng trước, mình chuyển nhà ra cụm dân cư thuộc thôn Phú Vinh mới có cán bộ phát phiếu đi tiêm cho đứa thứ 2”. Hỏi về ý nghĩa của việc tiêm vắc-xin, chị Dở lắc đầu nhưng bảo sẵn sàng cho con đi tiêm nếu được thông báo.
Chị Triệu Thị Dao (29 tuổi, cụm dân cư Sình Cọ) nói rằng, 5 người con nhà chị không tiêm đủ các mũi vắc-xin, do nhà chị ở xa nên không nhận được thông báo tiêm phòng. Mới đây, chị chuyển ra khu vực cụm dân cư mới thuộc thôn Phú Vinh mới được cán bộ đến phát giấy đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu...
Vận động suông?
Ông Hồ Khắc Sừng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Nô, cho biết, tỷ lệ tiêm chủng của trẻ trên toàn huyện đạt từ 90-95%. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số vùng lõm tiêm chủng như các thôn Phú Vinh, Phú Hòa, Phú Sơn, Dốc 3 tầng, Nâm Nung... với tỷ lệ 50-60%. Đây là vùng đồng bào thiểu số, vùng sâu vùng xa (cách trạm y tế hơn 20 cây số), cán bộ gặp nhiều khó khăn trong triển khai tiêm chủng cho trẻ. Về biện pháp tuyên truyền người dân đưa con đi tiêm vắc-xin, ông Sừng nói rằng, đơn vị đã giao chỉ tiêu về các trạm y tế chủ động triển khai, nếu không đạt, trạm trưởng sẽ chịu trách nhiệm.
Ông Sừng cho biết, đã phê bình, kiểm điểm các trưởng trạm y tế do không hoàn thành chỉ tiêu, song tình hình tiêm chủng không được cải thiện. Hỏi về trách nhiệm bản thân khi nhiệm vụ tiêm chủng của Trung tâm Y tế không đạt chỉ tiêu, ông Sừng im lặng. Ông nói rằng, cán bộ đã dùng nhiều cách tuyên truyền như dùng loa phát thanh, phát tờ rơi; trong sổ tiêm chủng đã có sẵn các nội dung về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin nhưng người dân chưa nhận thức đầy đủ, không hợp tác. Khi phóng viên đặt vấn đề người dân không biết chữ, liệu cách vận động suông đó có hiệu quả không, ông Sừng cho rằng, nhân lực, kinh phí của ngành y tế có hạn, cán bộ không thể đến từng nhà vận động. Đợt dịch bạch hầu này, cán bộ y tế làm việc cật lực không kể đêm ngày.
Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, cho biết, đã nắm được các vùng lõm trong tiêm chủng mở rộng và đã triển khai xóa các vùng đó bằng cách mở các chương trình tiêm vắc-xin bổ sung. Ông Danh cũng nêu các biện pháp tuyên truyền như thông qua hệ thống phát thanh, yêu cầu các ban ngành đoàn thể vào cuộc vận động...
* Ngày 13/7, sau bài báo của Tiền Phong về giấy cam kết không tiêm vắc-xin, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ được với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Bà Hạnh đề nghị làm việc với Văn phòng UBND tỉnh (hoặc thư ký của bà Hạnh; phóng viên gửi trực tiếp bằng văn bản). Tuy vậy, khi phóng viên gọi điện đề cập trách nhiệm liên quan những tờ cam kết không tiêm chủng phát cho dân, ông Hoàng Văn Thuần, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, lại “chuyền bóng” tới ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế (người từng nói rằng, dịch bệnh bùng phát phần lớn do lỗi của dân không đi tiêm). Phóng viên nhiều lần liên lạc với ông Hùng nhưng không được.
Đến nay, Tây Nguyên có 79 ca mắc bạch hầu, trong đó Đắk Nông - 30, Đắk Lắk - 3, Gia Lai - 20 và Kon Tum - 26.
Thêm 300.000 liều vắc-xin ngừa bạch hầu cho Tây Nguyên
Ngày 13/7, TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, cho biết, hôm nay, Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang sẽ chuyển khoảng 300.000 liều vắc-xin ngừa bạch hầu lên các tỉnh Tây Nguyên.
Dự kiến phân phối khoảng 100.000 liều vắc-xin cho tỉnh Kon Tum, 200.000 liều cho những tỉnh Tây Nguyên còn lại. Hiện có xã Quảng Hòa (tỉnh Đắk Nông) đã tiêm hết vắc-xin mũi 1 cho những người từ 40 tuổi trở xuống. Dự kiến hôm nay bắt đầu tiêm cho những người dân còn lại trong xã.
Khống chế các ổ dịch
Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu, TS Viên Chinh Chiến cho rằng, cần 3 bước. Bước đầu tiên là cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn nâng cao nhận thức để nhận biết được bệnh. Khi phát hiện ra bệnh, đặc biệt là phát hiện sớm, gửi mẫu và xử lý nhanh, thì ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch và đồng thời góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác. Tiếp đó làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi có ca bệnh xuất hiện. Cuối cùng, giải pháp bền vững và an toàn nhất là vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng làm sao đảm bảo được tỷ lệ hơn 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo ông Chiến, điều quan trọng nhất hiện nay là khống chế các ổ dịch, không để xuất hiện những ổ dịch mới. Làm được điều này mới có thể nhanh chóng dập dịch bạch hầu đang hoành hành tại các tỉnh Tây Nguyên.
Hiện vẫn có một số khó khăn khi triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua có tình trạng người có chỉ định tiêm vắc-xin, uống kháng sinh phòng bệnh không tiêm hay uống do cho rằng mình không có bệnh nên không phải dự phòng. Ông Chiến cho biết, một số vùng đã lập nhóm vận động, mang thuốc kháng sinh đến tận nhà người dân. Giải pháp vận động sẽ được áp dụng với chiến dịch tiêm ngừa này. Trong tiêm chủng thì không phải được 100%, tức là sẽ có tỷ lệ nhất định họ không tiêm, rồi bản thân tiêm có tỷ lệ nhất định không đáp ứng miễn dịch... Do đó, khi gặp được nguồn bệnh với một mức độ phù hợp sẽ xuất hiện ca bệnh, cụ thể bao nhiêu thì hiện nay các nhà khoa học cũng chưa xác định được.
“Ở Tây Nguyên thì hầu như những ca tử vong đều là ca đầu tiên. Bởi vì lâu quá người ta không có mặt bệnh, như hôm trước chúng tôi đi Quảng Hòa, bản thân ở xã Quảng Hòa họ nói là nếu như bác sĩ ổn định thì chưa chắc bị, anh bác sĩ làm lâu năm thì mới chuyển công tác, bác sĩ mới về. Bác sĩ mới hiện nay hầu như không có kinh nghiệm và kiến thức về bệnh bạch hầu vì mười mấy năm rồi không có ca bệnh. Khi bác sĩ muốn biết thì đi lâm sàng phải nhìn được mặt bệnh, chỉ nghe lý thuyết thôi thì cũng khó. Đó là lý do mà tại sao chúng tôi ưu tiên chuyện đào tạo tập huấn để các bác sĩ có một kiến thức tổng quát nhất rồi từ đó họ sẽ lan tỏa dần ra các nhân viên y tế khác’, ông Chiến nói.
Phải điều trị sớm
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, muốn ngăn chặn nhanh, giảm tử vong, cách phát hiện sớm, điều trị triệt để rất quan trọng. Theo đó, các địa phương cần thực hiện đúng phương châm phòng chống dịch: phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhưng quan trọng nữa là phải điều trị sớm. Ngay khi phát hiện ra ca bệnh, ngay lập tức phải cho người trong thôn, xã uống thuốc điều trị dự phòng, giúp ngăn ngừa được biến chứng, lây lan. Một điểm rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bạch hầu được ông Long nhấn mạnh là muốn thành công, phải huy động cấp uỷ chính quyền, tất cả ban ngành đoàn thể, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Nguồn báo Tiền phong