TRẺ EM - ĐỐI TƯỢNG CẦN ĐƯỢC CHÚ Ý TRONG DIỄN BIẾN CHỦNG MỚI COVID-19
Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Đợt dịch thứ 4 khởi đầu ngày 27/04/2021 với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi bao gồm cả trẻ em.
Đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại. Đối với trẻ em, cứ mỗi 2 ca tử vong vì COVID-19 sẽ có ít nhất 1 trẻ mất người chăm sóc. Số lượng trẻ mồ côi sau khi cha mẹ qua đời vì COVID-19 là một trong những hậu quả của đại dịch. Đây cũng là những nạn nhân đang bị thế giới bỏ quên.
Dịch COVID-19 cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền học tập của trẻ em. Trẻ em phải học trực tuyến với rất nhiều bất cập như dường truyền mạng không tốt; trẻ em có hoàn cảnh không có thiết bị học trực tuyến; không có thầy, cô giáo hướng dẫn trực tiếp khi gặp những vướng mắc trong quá trình học tập…
Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về Hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 ngày 16/02/2022
Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 với sự tham gia của các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 16/02/2022, đã đưa ra số liệu về tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở Việt Nam là 19.2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ tính từ đầu mùa dịch (trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ từ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi).
Tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn người lớn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ em mắc COVID-19 có bệnh nền, thừa cân, béo phì…
“Mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có tử vong. Qua theo dõi cho thấy, trẻ em cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phân tích tại Hội nghị.
Theo các chuyên gia nhi khoa, thời gian gần đây, đặc biệt khi có biến chủng mới, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em bắt đầu gia tăng. Gần đây đã xuất hiện những trường hợp chuyển biến nặng và tử vong ở Bệnh viện Nhi Trung ương, những trẻ có nguy cơ cao thường tiến triển nặng hơn nhóm khác và một số biến chứng đáng lo ngại.
Cần có kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, gấp rút chuẩn bị các điều kiện an toàn để có thể đón học sinh trở lại trường học tập trung. Với việc các tỉnh thành đồng loạt cho học sinh đi học lại, dự báo số trẻ mắc COVID-19 có thể tăng nhanh, nhất là những em chưa được tiêm vaccine. Do vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ em để phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng.
Về phía y tế cơ sở, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ em rất quan trọng, đặc biệt kỹ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến bệnh viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết.
Đối với các cơ sở điều trị cần nâng cao năng lực điều trị nhi khoa mắc COVID-19, chuẩn bị sẵn một số cơ sở vật chất, trang thiết bị về hồi sức nhi trong trường hợp nhu cầu hồi sức cấp cứu tăng.
Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em cũng được Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Đến nay, số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.434205 liều, trong đó: Mũi 1 là 8.469.650 liều; Mũi 2 là 7.964.555 liều. Có 42/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 13/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90%; 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 57-dưới 80%.
Bộ Y tế cũng đang nỗ lực chuẩn bị để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5- dưới 12 tuổi.
Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục Đào tạo cùng các Bộ/Ngành liên quan, chỉ đạo hệ thống y tế các cấp triển khai tốt nhất công tác phòng chống COVID-19, thực hiện thành công công tác mục tiêu về sức khỏe cho trẻ em.
Hồng Hạnh - Phòng HCVT