Trạm y tế lưu động ở Hà Nội đã sẵn sàng
Bảo đảm phương châm “bốn tại chỗ”, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, TP Hà Nội đã thành lập hàng trăm trạm y tế lưu động và sẵn sàng đi vào hoạt động khi có yêu cầu.
Bà Lê Thị A. (54 tuổi), sinh sống tại tòa nhà B1 số 18 phường Trung Liệt (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đến Trạm Y tế lưu động số 1-phường Trung Liệt khám bệnh với các triệu chứng như: ho, rát họng và đến thời kỳ lấy thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp. Sau khi tiếp nhận thông tin người bệnh, các y, bác sĩ tại Trạm Y tế lưu động kiểm tra thân nhiệt, khai thác thông tin người bệnh; làm xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên; thăm khám người bệnh, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt... Đây là tình huống giả định vừa được các y, bác sĩ của Trạm Y tế lưu động số 1-phường Trung Liệt (quận Đống Đa, TP Hà Nội) thực hành tại buổi diễn tập mô hình Trạm Y tế lưu động do Trung tâm Y tế quận Đống Đa tổ chức.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Đống Đa Nguyễn Đức Tuấn, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và quận Đống Đa diễn biến phức tạp, nếu số người mắc bệnh vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung, việc điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà nhằm giảm tải cho cơ sở y tế là giải pháp cần thiết. Theo phương án triển khai của quận Đống Đa, Trạm Y tế lưu động số 1-phường Trung Liệt là một trong 21 trạm y tế lưu động của quận được thành lập thời gian qua. Hiện Trạm Y tế lưu động số 1-phường Trung Liệt có năm nhân viên, gồm: một bác sĩ, ba điều dưỡng và một dược sĩ. Trạm Y tế lưu động sẽ thực hiện năm nhiệm vụ chính là: Quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và cộng đồng; xét nghiệm; tiêm vắc-xin phòng Covid-19; truyền thông công tác phòng, chống dịch; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác...
Sau buổi diễn tập, bên cạnh việc thống nhất mô hình hoạt động đối với 21 trạm y tế lưu động trên địa bàn, đây cũng là dịp để các đơn vị y tế trao đổi, chia sẻ công tác tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại khu vực mình phụ trách.
Cũng như quận Đống Đa, các quận Ba Đình, Thanh Xuân, huyện Đông Anh, Thanh Trì... đã lập các trạm y tế lưu động. Mỗi trạm bố trí ít nhất năm nhân viên y tế, có quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể; được trang bị đầy đủ các trang thiết bị và phòng, khu vực làm việc riêng biệt như: Bàn đón tiếp người bệnh, khu vực xét nghiệm Covid-19, khu vực cấp cứu, khu vực khám bệnh, phòng cách ly tạm thời, phòng trực, phòng nghỉ ngơi của nhân viên y tế. Đáng chú ý, huyện Đông Anh không chỉ thành lập các trạm y tế tại xã, mà còn thiết lập được các trạm y tế lưu động trong Khu công nghiệp Thăng Long và tại các cụm công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, đến nay tất cả các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, phương án chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện mô hình trạm y tế lưu động. Dự kiến sẽ có 508 trạm y tế lưu động tại các xã, phường và 20 trạm tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế diễn biến trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị và thuốc... để sẵn sàng lập thêm các trạm y tế lưu động.
Tuy nhiên, để trạm y tế lưu động hoạt động hiệu quả, nhất là đáp ứng kịp thời trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các trạm y tế lưu động cần có niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn; xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất bao gồm nơi trực, nơi tiếp đón, khám và tư vấn, nơi theo dõi, khu vệ sinh, điện nước. Đối với nguồn nhân lực, mỗi trạm y tế lưu động cần bố trí năm nhân viên y tế trong đó có một cán bộ y tế nắm rõ địa bàn, còn các cán bộ y tế khác huy động thêm từ các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.
Về trang thiết bị và thuốc cần phải bảo đảm đáp ứng trang thiết bị thiết yếu cho phòng, chống dịch Covid-19 và trang thiết bị khám, chữa bệnh thông thường và các danh mục thuốc theo quy định. Đặc biệt các trạm y tế lưu động cần phải trang bị đầy đủ bình ôxy sẵn sàng khi có bệnh nhân... Qua đó, không chỉ giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại nơi mình cư trú, mà còn góp phần giảm gánh nặng cho cơ sở điều trị Covid-19 tuyến trên.
Nguồn báo Nhân dân