TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI: NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG TRONG GIAI ĐOẠN ĐẠI DỊCH COVID-19

** Do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tài liệu này và bộ câu hỏi thường gặp kèm theo sẽ được sửa đổi khi cần thiết **

Do sự lưu hành toàn cầu của virus COVID-19 và tình hình đại dịch hiện nay, các hoạt động tiêm chủng có nguy cơ bị gián đoạn bởi các gánh nặng của COVID-19 làm ảnh hưởng tới hệ thống y tế và nhu cầu tiêm chủng cũng giảm do yêu cầu hạn chế tiếp xúc gần trong cộng đồng. Sự gián đoạn công tác tiêm chủng, ngay cả trong thời gian ngắn, có thể làm gia tăng số người dễ mắc bệnh và tăng khả năng mắc các bệnh gây dịch có thể phòng ngừa bằng vắcxin (VPDs) như sởi. (1) Các đợt bùng phát dịch của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ mắc khác, từ đó gia tăng gánh nặng lên hệ thống y tế, vốn đã chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Tiềm năng bùng phát dịch của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin khiến các nước bắt buộc phải duy trì các dịch vụ tiêm chủng thường xuyên ở những nơi có khả năng tiến hành tiêm chủng an toàn. Các đợt bùng phát dịch trước đây và các trường hợp cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các công tác y tế thiết yếu như tiêm chủng, và tham gia hiệu quả của các cộng đồng vào việc lập kế hoạch và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và đáp ứng toàn cầu về giữ khoảng cách bắt buộc (cách ly xã hội), cũng như tác động lên kinh tế các hộ gia đình là chưa từng có đối với sức khoẻ cộng đồng. 

Tài liệu này cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn và các phương án có thể cân nhắc để hỗ trợ các quốc gia trong việc đưa ra quyết định liên quan việc cung cấp dịch vụ tiêm chủng trong thời gian đại dịch COVID-19. Tài liệu đã được kiểm chứng bởi nhóm chuyên gia Tư vấn chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tiêm chủng. Tài liệu cũng đã được hoàn thiện thêm bằng một loạt các tài liệu kỹ thuật của WHO về các biện pháp đáp ứng và giảm thiểu dịch COVID-19. Mỗi quốc gia cần tiến hành đánh giá nguy cơ độc lập dựa trên mức độ bùng phát lây nhiễm của dịch COVID-19, đặc điểm hệ thống y tế và công tác tiêm chủng, và đặc điểm dịch tễ học của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin ở khu vực của họ. 

NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN

  1. Tiêm chủng là dịch vụ y tế cốt lõi, cần được ưu tiên để phòng chống các bệnh truyền nhiễm và cần được đảm bảo sự liên tục trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 nếu có thể. Các chiến lược cung cấp dịch vụ tiêm chủng có thể cần được điều chỉnh và nên thực hiện trong điều kiện an toàn, không đe doạ tới sức khoẻ của nhân viên y tế, người chăm sóc và cộng đồng.
  2. Việc giám sát các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin nên được duy trì và củng cố để có thể phát hiện và quản lý sớm các trường hợp bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin, và nếu có thể, góp phần giám sát dịch COVID-19.
  3. Các cấp chính quyền cần tiếp tục giám sát diễn biến dịch COVID-19 tại quốc gia và khu vực. Các nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng quốc gia (NITAGs) đóng vai trò quan trọng khi đưa ra lời khuyên về công tác duy trì, điều chỉnh, đình chỉ và/hoặc phục hồi các dịch vụ tiêm chủng.
  4. Nếu việc cung cấp dịch vụ tiêm chủng bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, các quốc gia cần xây dựng các chiến lược tiêm chủng bổ sung vắcxin cho hậu COVID-19, đồng thời lập các kế hoạch cho sự phục hồi dần. Việc tiêm chủng bổ sung yêu cầu các chiến lược tìm kiếm và theo dõi các cá nhân bỏ lỡ đợt tiêm chủng trong thời gian dịch, đánh giá khoảng trống miễn dịch và tái thiết lập nhu cầu cộng đồng. Việc đổi mới và sáng tạo là cần thiết trong các chiến lược.
  5. Dựa trên các hiểu biết hiện tại về dịch COVID-19 và các khuyến nghị về hạn chế tiếp xúc gần, các chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn nên được đình chỉ tạm thời. Các quốc gia cần thường xuyên theo dõi và đánh giá lại sự cần thiết của việc trì hoãn các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.
  6. Việc tiến hành các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn cần phân tích lợi ích – nguy cơ một cách cẩn thận trong từng trường hợp cụ thể, đồng thời đánh giá nguy cơ khi phản ứng chậm trễ với nguy cơ khi phản ứng tức thời, cần đánh giá cả tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong đối với các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin và các ảnh hưởng tiềm tàng của việc lây truyền virút COVID-19.
  7. Nếu điều kiện cho phép, tiến hành tiêm chủng vắcxin cúm cho nhân viên y tế, người lớn tuổi và phụ nữ có thai.

CÂN NHẮC VỀ TIÊM CHỦNG THƯỜNG XUYÊN VÀ GIÁM SÁT BỆNH CÓ THỂ PHÒNG NGỪA BẰNG VẮC XIN

  • Quyết định duy trì các dịch vụ tiêm chủng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu tại địa phương về hạn chế tiếp xúc gần và bối cảnh hệ thống y tế, gánh nặng các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin tại địa phương, tình trạng lây truyền hiện tại và tình trạng lây truyền dự kiến của dịch COVID-19 tại địa phương (phân loại: không có ca nào, lẻ tẻ, thành cụm, hoặc lây truyền trong cộng đồng), và các yếu tố như nhân khẩu, dân số và mô hình di cư.
  • Khi khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống y tế còn nguyên vẹn và các dịch vụ y tế thiết yếu còn hoạt động (ví dụ: nguồn nhân lực đầy đủ, cung cấp vắcxin đầy đủ), các dịch vụ tiêm chủng tại chỗ cố định và công tác giám sát bệnh nên được tiến hành trong khi tuân thủ yêu cầu hạn chế tiếp xúc gần và có biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng thích hợp, được trang bị các thiết bị cần thiết cho công tác phòng ngừa.
  • Mức độ phù hợp của việc tiến hành các chiến lược thay thế (ví dụ: dịch vụngoài trạm và lưu động) và các hoạt động cần có sự tương tác cộng đồng nhằm giám sát các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin, phải được đánh giá theo bối cảnh của từng địa phương, cũng như được điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và cộng đồng. Các phương pháp đổi mới trong việc cung cấp tiêm chủng nên được được tìm hiểu để tối ưu hoá việc cung cấp dịch vụ.
  • Trong trường hợp có thể cung cấp các dịch vụ một cách hạn chế, việc tiêm chủng cho nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin nên ưu tiên tiêm chủng phòng các bệnh dễ gây dịch như sởi, bại liệu, bạch hầu và sốt vàng.

CÂN NHẮC CHO CÁC CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG QUY MÔ LỚN

  • Dựa trên các hiểu biết hiện có về phương thức lây truyền của virút COVID-19 và biện pháp khuyến nghị hiện nay về hạn chế tiếp xúc gần, các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nên được tạm thời đình chỉ do gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh trong cộng đồng. Các quốc gia nên thường xuyên theo dõi và đánh giá lại thời gian trì hoãn các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.
  • Trong trường hợp bùng phát dịch các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin, quyết định triển khai các chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn nhằm đối phó với dịch cần được tiến hành đánh giá lợi ích – nguy cơ trong từng trường hợp cụ thể, đồng thời phải tính đến khả năng của hệ thống y tế để thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn chất lượng cao và an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đánh giá nguy cơ khi phản ứng chậm trễ với nguy cơ khi phản ứng tức thời, bao gồm đánh giá cả tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đối với các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin và các ảnh hưởng tiềm tàng của việc lây truyền virút COVID-19.

          - Nếu một chiến dịch tiêm chủng nhằm đối phó với sự bùng phát dịch có thể được thực hiện, cần phải có các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để duy trì đồng thời công tác phòng ngừa và kiểm soát COVID-19, xử lý chất thải tiêm phù hợp, bảo vệ nhân viên y tế và bảo vệ cộng đồng.

           - Nếu một chiến dịch tiêm chủng nhằm đối phó với sự bùng phát dịch bị trì hoãn, cần tiến hành đánh giá định kỳ dựa trên tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin tại địa phương, kết hợp với tình hình dịch tễ học tại khu vực và quốc tế, từ đó đánh giá nguy cơ nếu cần trì hoãn thêm. 

CÂN NHẮC TÁI THIẾT LẬP DỊCH VỤ TIÊM CHỦNG 

  • Trong trường hợp các dịch vụ tiêm chủng cần phải được giảm bớt hoặc đình chỉ, các quốc gia nên khôi phục và phục hồi các dịch vụ tiêm chủng khi có cơ hội sớm nhất để thu hẹp khoảnh trống miễn dịch. Cho phép các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu hoạt động trở lại ngay khi khả năng lây truyền COVID-19 giảm xuống tại địa phương.
  • Nếu nguồn lực tiêm chủng bổ sung bị hạn chế, các hoạt động tiêm chủng bổ sung nên ưu tiên cho các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin dễ bùng phát dịch như sởi, bại liệt, bạch hầu và sốt vàng.
  • Các quốc gia nên thực hiện các chiến lược truyền thông hiệu quả và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để xoá bỏ các lo ngại, tăng cường liên kết trong cộng đồng và thiết lập lại nhu cầu tiêm chủng trong cộng đồng

Chương trình TCQG

 


Các bài viết liên quan