Tìm hiểu pháp luật: Những quy định cần biết khi sinh con thứ 3

Dân số là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Với mục đích điều chỉnh quy mô dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hộinhằm nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều biện pháp dân số được Đảng và Nhà nước triển khai, một trong những biện pháp không thể thiếu đó là các văn bản quy phạm áp dụng với toàn dân, đặc biệt áp dụng các chế tài  đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

Sau đây là tổng hợp một số những quy định cần biết đối với công chức, viên chức khi đã sinh hoặc có ý muốn sinh nhiều hơn 2 con:

Điểm b, Điều 2, Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em quy định:

“Đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú. ”

Điều 2, Nghị định 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số quy định những trường hợp sinh con thứ 3 không vi phạm chính sách dân số:

“ 1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ). (theo NĐ 18/2011/NĐ-CP sửa đổi NĐ 20/2010/NĐ-CP)

a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);

b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.”

Điểm a, khoản 3, Điều 17 Nghị định 104/2003/NĐ-CP quy định về  nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng và cá nhân:

“a) Thực hiện quy mô gia đình ít con - có một hoặc hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.”

Điều 2, Quy định số 05-QĐi/TW ngày 28/8/2018 quy định những trường hợp sinh con thứ 3 không bị kỷ luật Đảng:

1. “Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).

b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

8. Sinh con thứ ba trở lên trước ngày 19/01/1989 (ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 162-HĐBT, ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình).

9. Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên). ”

Điều 27, Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 quy định hình thức kỷ luật đối với trường hợp sinh từ con thứ 3 trở lên:

Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.

b) Khai báo hoặc xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

2- Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ tư (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ năm trở lên hoặc vi phạm trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định. ”

Khoản 9, Điều 8 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách với hành vi:

"9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức. ”

Điểm đ, Điều 11; điểm đ, Điều 15 của Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 xếp loại công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ với hành vi:

“đ) Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”.

Thông tư 03/2021/TT-BNV ngày 29/6/2021 quy định kéo dài thời gian nâng bậc lương đối với các trường hợp:

“b) Kéo dài 06 tháng đối với các trường hợp:

- Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;

- Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo;

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng.

c) Kéo dài 03 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách.

đ) Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng quy định tại điểm a, b, c khoản này.

e) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý ký luật hành chính quy định tại khoản này. ”

Thúy Hiền - Phòng TCCB

 


Các bài viết liên quan