Tìm hiểu pháp luật: Một số quy định mới về nâng lương đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc cho các cơ quan nhà nước từ ngày 15/8/2021
Tiền lương luôn được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với người lao động khi tham gia vào các quan hệ lao động trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, có những đối tượng lao động đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc cho các cơ quan Nhà nước, khi tham gia quan hệ lao động không được thỏa thuận thu nhập của mình theo quy luật của thị trường lao động. Tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương, nâng lương hàng năm được thực hiện theo các định mức mà Nhà nước quy định.
Mới đây nhất, ngày 29/6/2021, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 03/2021/TT-BNV để sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2021.
Dưới đây là một số thay đổi về nâng lương mà công chức, viên chức và người lao động cần biết:
1. Thời gian không làm việc trực tiếp hoặc liên tục được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:
- Thời gian nghỉ việc được hưởng nguyên lương theo luật định;
- Thời gian nghỉ hưởng các chế độ bảo hiểm cộng dồn đến 6 tháng trở xuống;
- Thời gian được cử đi học nhưng vẫn trong danh sách trả lương của đơn vị;
- Thời gian tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.
2. Thời gian làm việc không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:
- Thời gian tập sự;
- Thời gian đào ngũ khi tham gia nghĩa vụ quân sự;
- Thời gian thử thách do bị phạt tù hưởng án treo;
- Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
3. Kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với quy định với các trường hợp:
- Các trường hợp kéo dài 12 tháng:
- Cán bộ bị kỷ luật cách chức;
- Công chức bị giáng chức, cách chức;
- Viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.
- Các trường hợp kéo dài 6 tháng:
- Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;
- Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo;
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được hàng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng.
- Trường hợp kéo dài 3 tháng: đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách
- Các trường hợp kéo dài khác:
- Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là 21 tháng.
- Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương theo hình thức kỷ luật tương ứng với số tháng kéo dài.
- Công chức, viên chức, người lao động là Đảng viên bị kỷ luật Đảng thực hiện kéo dài nâng bậc lương theo hình thức xử lý hành chính, nếu không kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BNV.
4. Nâng lương trước thời hạn: Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
5. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP được xếp lương như viên chức.
Thúy Hiền - Phòng TCCB