Tiêm vaccine là góp phần bảo vệ cộng đồng

Ngày 30-6, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng đoàn đã đi thực tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Đi cùng đoàn có Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng.

Báo cáo tại buổi làm việc, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 29-6, số ca mắc SXH tích lũy trên địa bàn TPHCM là 20.952 ca, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Các quận, huyện có ca mắc cao gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 12, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận Tân Phú.

Nguyên nhân các địa phương này có số ca mắc tăng cao là do công tác đề diệt lăng quăng, diệt muỗi chưa thực sự trở thành thói quen trong nhận thức và hành động của người dân. Ngoài công tác truyền thông chưa phát huy hiệu quả thì việc xử phạt về các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết còn nhiều hạn chế.

Đa số các địa phương không xử phạt hoặc khó xử phạt các cá nhân, tập thể vi phạm. Tính từ năm 2015 đến 2021 đã có 1.547 quyết định xử phạt được ban hành nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022 toàn thành phố chỉ có 9 quyết định được ban hành.

Trước bối cảnh dịch SXH đang có tăng nhanh, nguy cơ bùng phát và nhằm nâng cao hiệu quả điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, Hội Y học TPHCM cùng với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Nhi Đồng 2, Bệnh Nhiệt đới đã tổ chức các lớp tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh SXH (cơ bản và nâng cao) đến các bác sĩ và nhân viên y tế tham gia công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tại các bệnh viện trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức và các cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cả công lập và tư nhân. 

Tính đến thời điểm hiện nay có 15 lớp tập huấn với khoảng 3.600 bác sĩ, điều dưỡng tham dự. 

“Sở Y tế đã tổ chức họp Tổ chuyên gia về điều trị SXH để kịp thời đưa ra các hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị; tổ chức họp rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng hướng dẫn điều trị SXH trên thai phụ và có kế hoạch tổ chức kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị SXH ở các cơ sở khám, chữa bệnh đặc biệt là hệ thống phòng khám tư nhân. Đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng (dịch truyền, dung dịch cao phân tử, máu và các chế phẩm của máu..) để kịp thời cho điều trị SXH”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine Covid-19, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đến nay TPHCM đã nhận từ Bộ Y tế hơn 20,4 triệu liều vaccine Covid-19. Hiện số vaccine tồn kho vẫn còn hơn 490.500 liều và số vaccine này Bộ Y tế không nhận trả lại. Do tỷ lệ người dân tiêm vaccine Covid-19 vẫn còn thấp, ngày 14-6 vừa qua, TPHCM đã triển khai Tháng cao điểm tiêm vaccine Covid-19, nhờ thế số lượng người dân đi tiêm chủng đã đông hơn.

Phân luồng, phân tuyến điều trị SXH chưa thực sự hiệu quả

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, vấn đề phân luồng, phân tuyến điều trị SXH của các địa phương phía Nam chưa thực sự hiệu quả. Có đến 50% trường hợp bệnh nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là do từ tuyến dưới chuyển lên. Việc đưa quá nhiều bệnh nhân lên tuyến trên vừa khiến các bệnh viện tuyến cuối quá tải, không đáp ứng điều trị, vừa có nguy cơ lây nhiễm chéo ngay tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, đối với công tác tiêm chủng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế yêu cầu, TPHCM cần rà soát lại các đối tượng tiêm chủng, nhất là những đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính, miễn dịch… Cán bộ, nhân viên y tế cần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân tiêm vaccine Covid-19.

Qua thực tế kiểm tra và nghe báo cáo từ các đơn vị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, dịch SXH đến sớm, chưa đến đỉnh dịch nhưng số nhiễm đã vượt đỉnh những năm trước. TPHCM đã triển khai nhiều đợt ra quân phòng chống SXH, dọn dẹp vệ sinh nhưng yêu cầu phải làm liên tục, không chỉ một lần.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế rà soát lại vấn đề vì sao tỷ lệ chuyển tuyến bệnh nhân SXH quá nhiều? Có hay không tình trạng tuyến dưới thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế nên chuyển bệnh nhân lên tuyến trên? Nếu thiếu thuốc, vật tư y tế thì phải giải quyết ngay bởi vì người bệnh không thể chờ đợi được.

Thừa nhận tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại còn thấp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả. “Một năm trước, khi vaccine còn khan hiếm thì số lượng người chết lên đến hàng ngàn người. Nhờ có vaccine mà dịch bệnh đã được kiểm soát, người dân trở nên có tâm lý chủ quan, vì thế việc tiêm mũi 3, mũi 4 đã chững lại. Mặc dù số ca mắc giảm nhưng nguy cơ vẫn lơ lửng trên đầu và dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu như không tiêm vaccine”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành y tế TPHCM cần tăng cường, vận động tuyên truyền để người dân hiểu, tiêm vaccine không chỉ giữ cho sức khỏe của mình mà còn là góp phần bảo vệ cộng đồng. Việc tuyên truyền, vận động cần đi sâu, đi sát để lắng nghe những băn khoăn, tâm tư của người dân, từ đó tư vấn, giải đáp để người dân hiểu và đồng thuận.

Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại phường 5, quận 8 và công tác điều trị SXH tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 14).

Nguồn báo Sài Gòn giải phóng

 


Các bài viết liên quan