Tiêm đủ vắc xin vẫn mắc COVID-19, không được chủ quan

Chuyên gia y tế khẳng định, không có loại vắc xin nào có thể bảo vệ tuyệt đối cho con người trước nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tiêm vắc xin sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

Ngày 24/10, thông tin tỉnh Bình Phước đã giám sát và phát hiện nhiều người mắc COVID-19 sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đang được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Cụ thể, qua giám sát 2.700 người đến, về từ các tỉnh, thành phố trong khu vực từ ngày 12 - 22/10, Bình Phước ghi nhận 63 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt, trong số đó 37 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và 19 người đã tiêm mũi 1.

Giữa tháng 6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM bị phong tỏa vì phát hiện 69 nhân viên y tế mắc COVID-19. Họ nhiễm bệnh sau 7 - 8 tuần tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Anh) đã phối hợp khảo sát chi tiết về biểu hiện lâm sàng, diễn tiến virus học, mức độ kháng thể trung hòa trên nhóm nhân viên y tế đã tiêm đủ vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19.

Kết quả cho thấy, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca vẫn có thể bị nhiễm biến chủng Delta, vẫn có thể lây cho những người khác, bao gồm cả những người đã tiêm đủ liều vắc xin. Tuy nhiên, theo TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tải lượng của virus chủng Delta có thể đạt đỉnh cao hơn chủng trước đây 251 lần.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, nhận định: “Những người đã chích đủ cả 2 mũi vắc xin vẫn mắc COVID-19 là chuyện hết sức bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra, vắc xin ngừa COVID-19 chỉ bảo vệ cơ thể từ 76% trở lên, điều đó có nghĩa là khoảng 24% những người đã chích đủ cả 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp mắc bệnh khi đã chích đủ vắc xin đều không có biểu hiện bệnh hoặc bệnh nhẹ”. 

Nguồn báo Tiền phong

 


Các bài viết liên quan