Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Phải tỉnh táo, sáng suốt trước dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là, mất bình tĩnh

Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.

Các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh

Sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trong 2 tuần qua (từ cuộc họp ngày 25/9 của Ban Chỉ đạo quốc gia tới nay); vấn đề tổ chức cho người dân về quê theo nguyện vọng; hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức giao thông, lưu thông hàng hóa trong những ngày tới...

Theo Báo cáo của Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Trong 2 tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Tuy nhiên, một số địa phương ghi nhận số ca mắc cộng đồng tăng so với tuần trước, gồm: An Giang 495 ca (tăng 177 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu 72 ca (tăng 53), Bình Thuận 148 ca (tăng 45 ca), Quảng Ngãi 39 ca (tăng 32 ca), Hà Nam 25 ca (tăng 17 ca).

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo các địa phương, số ca mắc tăng tại các tỉnh này chủ yếu là do xét nghiệm tầm soát những người trở về địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, từ ngày 1/10 đến nay, tại 43 tỉnh, thành phố đã ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó có 1.031 người có kết quả xét nghiệm dương tính.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích thêm, tỷ lệ nhiễm tại TP.HCM đã giảm rất sâu. Hiện tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại TP. HCM khoảng 0,2% (tức là giảm 20 lần so với tỷ lệ 3,7-4% lúc đỉnh dịch). Theo các tính toán của các chuyên gia, các quyết sách phòng chống dịch đúng hướng và hiệu quả thời gian qua đã giúp tránh được hàng triệu ca lây nhiễm và khoảng 50.000 ca tử vong tại TP. HCM.

Nhiều bệnh viện dã chiến tại TP. HCM đã có giường trống, số lượng bệnh nhân tại các trung tâm hồi sức tích cực của Bộ Y tế cũng giảm 60%. Đây là những hình ảnh rất xúc động", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, tốc độ bao phủ vaccine của Việt Nam đang tăng rất nhanh, hiện tốc độ tiêm có thể đạt trung bình 1,5 triệu mũi mỗi ngày. Bộ trưởng cho biết với tất cả các nước, các đối tác có khả năng cung cấp vaccine, Thủ tướng Chính phủ đều điện đàm, gửi thư, trao đổi. Tính đến ngày 8/10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy, đã có 74 triệu liều vaccine về tới Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo nếu chủ quan, lơ là.

Đón người dân về quê an toàn, tránh bị động, lúng túng

Tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương An Giang đã thực hiện công tác này linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở chỉ đạo chung của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, đón tiếp bà con trở về với những hình ảnh rất xúc động. Tỉnh đã thực hiện các biện pháp y tế, điều trị các ca F0, đưa bà con về tận xã, phường, thị trấn theo đúng tinh thần lấy xã phường là pháo đài, quản lý người trở về ngay tại cơ sở. Điều này giúp việc trở về của bà con vừa có trật tự, vừa bảo đảm về y tế, vừa bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cho biết số ca F0 những ngày qua chủ yếu xuất hiện trong các gia đình và phân xưởng sản xuất đã được cách ly, phong tỏa. Đợt dịch này tại Hà Nam xuất hiện chủ yếu ở khu công nghiệp và trường học, nhưng trong 7 khu công nghiệp của tỉnh đến nay chỉ có 1 khu có F0, tại khu này cũng chỉ có 3 trong số 144 nhà máy có ca nhiễm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương bám sát chủ trương chuyển hướng chiến lược đã được thống nhất là từ "zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế đang được khẩn trương xây dựng với các nhóm giải pháp lớn về phát triển du lịch, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực xã hội và đầu tư công, phục hồi thị trường lao động, cắt giảm thủ tục hành chính...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong thời gian qua, đã có những quyết định mang tính bước ngoặt trong công tác phòng chống dịch. Báo cáo của MTTQ tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV nhận định việc thực hiện kế hoạch vaccine là rất khó khăn, nhưng đến nay, chúng ta đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đưa lượng lớn vaccine về nước và tiêm miễn phí cho người dân. Điều này không chỉ có ý nghĩa với phòng chống dịch mà còn an dân, tạo niềm tin cho người dân.

Thứ hai, việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia đã đáp ứng được tình hình, bối cảnh rất cấp bách khi đó. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu nhắc lại hàng loạt quyết định rất khó khăn nhưng đúng đắn, đầy bản lĩnh của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Thủ tướng Chính phủ trong những thời khắc cam go, khi còn có nhiều ý kiến khác nhau, như việc điều động gần 300 nghìn nhân lực trong thời gian rất ngắn chi viện cho các địa phương phòng chống dịch, xây dựng hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động, xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng tại TP. Hà Nội, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương... Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả và sự cần thiết của các quyết định này.

Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Y tế, đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần qua đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các ổ dịch lớn như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, một số tỉnh bùng phát dịch như Kiên Giang cũng đã từng bước kiểm soát rất tốt.

Để đạt được những kết quả này, những nguyên nhân chính là chúng ta đã kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch dựa vào 3 trụ cột là cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể), xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và điều trị (từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong). Cùng với đó, chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tốt hơn. Nguyên nhân thứ ba là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể, sự đồng tình, hưởng ứng của đại đa số nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ một số việc nổi lên trong hai tuần qua: Người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc; ứng dụng công nghệ còn trục trặc. Việc chăm lo đời sống nhân dân vẫn còn sót lọt một số đối tượng. Chúng ta cũng bắt đầu phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh, từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đúc rút thời gian qua, trong thời gian tới, phải có tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới hơn, sát tình hình thực tế hơn, phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thời gian tới.

- Thứ nhất, ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc;

- Thứ hai, các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân;

- Thứ ba, tiếp tục quyết liệt thực hiện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chiến lược vaccine;

- Thứ tư, việc khôi phục sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất.

Lưu thông và GTVT thống nhất trên toàn quốc

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. "Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có bước đi, có lộ trình, trước hết thí điểm 1 tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng", Thủ tướng nêu rõ. Bộ GTVT tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT, đồng thời tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.

Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót, để lọt các đối tượng được hưởng thụ chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp các nền tảng, chia sẻ các dữ liệu để ứng dụng công nghệ thông tin thật hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác thông tin – tuyên truyền theo hướng chủ động, tích cực, có kế hoạch bài bản, phản ánh đúng tình hình, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tính toán lộ trình thực hiện "hộ chiếu vaccine", Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho học sinh đi học bình thường trở lại ở những nơi an toàn, nhất là những nơi xa xôi, miền núi, hải đảo…

Các địa phương, bộ ngành phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ Y tế tiến hành sơ kết, đánh giá đợt dịch lần thứ 4, rút các kinh nghiệm, bài học và động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân. Thủ tướng lưu ý tiếp tục bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các tiểu ban tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, báo cáo theo quy định. Thủ tướng đề nghị các lực lượng chi viện tiếp tục kiên trì ở lại các tỉnh, thành phố phía Nam tới khoảng cuối tháng 10, khi việc bao phủ vaccine cho người dân đã đạt mức tương đối an toàn.

Thủ tướng giao các bộ ngành nắm chắc tình hình, xử lý các đề xuất của địa phương theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định.

Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

 


Các bài viết liên quan