THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHÍP

Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đã làm thay đổi hoàn toàn phong cách quản lý hành chính của các quốc gia trên thế giới. Để bắt kịp xu thế thời đại và tránh lạc hậu với các quốc gia khác, các Chính phủ buộc phải thay đổi mình theo hướng hiện đại hóa để thích ứng và phát triển. Cấp mới thẻ căn cước công dân gắn chip là một “dịch vụ công” cho thấy sự đổi mới trong quá trình xây dựng “Chính phủ số” ở Việt Nam.

Căn cước công dân (viết tắt: CCCD) là một trong những loại giấy tờ tùy thân chính của công dân Việt Nam. Đây là hình thức mới của giấy chứng minh nhân dân, bắt đầu cấp phát và có hiệu lực từ năm 2016. Theo Luật căn cước công dân 2014, người từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ CCCD. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi (Điều 21). Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Mỗi công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ sở hữu một CCCD khi được cơ quan có thẩm quyền cấp cho. Sau đây là một số thông tin hữu ích mà người sở hữu CCCD này cần biết:

Mã định danh: Mã số in trên CCCD sẽ không thay đổi từ khi công dân được cấp cho tới khi qua đời, kể cả công dân có làm thủ tục cấp lại hoặc thay đổi nơi thường trú.

Các thông tin trên thẻ CCCD có gắn chíp:

  • Mặt trước của CCCD: Ngoài các thông tin ghi rõ trên thẻ, Mã QR code phía góc phải trên cùng của thẻ CCCD gắn chíp, lưu thông tin về số thẻ căn cước công dân, mã hóa toàn bộ các thông tin của người dân như: Họ tên, năm sinh, địa chỉ và ngày cấp căn cước công dân. Với mã QR Code , bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng điện thoại thông minh đều có thể quét được các thông tin như số chứng minh thư cũ, họ tên của người được cấp, do vậy công dân không cần xin giấy xác nhận số chứng minh thư cũ khi thực hiện những thủ tục hành chính có liên quan.
  • Mặt sau của CCCD: Ngoài các thông tin có thể nhìn thấy rõ như: dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng, ngày tháng năm cấp thẻ, cơ quan cấp CCCD, dấu của cơ quan cấp thẻ còn một bộ phận đặc biệt quan trọng đó là chíp điện tử. Chip điện tử là các thông tin của công dân được mã hóa mà chỉ có cơ quan chức năng có thẩm quyền với thiết bị chuyên dụng mới có thể đọc được. Các thông tin này gồm: Số căn cước công dân; họ và tên, họ và tên khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số chứng minh nhân dân đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt và các thông tin khác (mở rộng ứng dụng cho các bộ, ngành khác). Dự kiến, trong thời gian tới, chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân có thể cập nhật thêm các thông tin cá nhân như bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe... Việc cập nhật sẽ được thực hiện thông qua sự chủ động của người dân đến thông báo tại cơ quan chức năng hoặc thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
  • Bí mật 12 số trên thẻ CCCD: 3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh, 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính công dân, 2 chữ số tiếp theo là mã năm sinh thể hiện 2 số cuối năm sinh của công dân, 6 chữ số cuối là dãy số ngẫu nhiên.

Giá trị của CCCD: Căn cước công dân là một loại giấy tờ chứa đựng toàn bộ lai lịch của công dân. Công dân sử dụng CCCD để thực hiện tất cả các giao dịch hành chính trên lãnh thổ Việt Nam như: giao dịch với ngân hàng, nhà đất, xin học cho con… mà không cần phải mang nhiều loại giấy tờ như trước đây. Thẻ CCCD thậm chí có thể sử dụng như một tấm hộ chiếu tới các quốc gia mà Việt Nam có điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân sử dụng CCCD thay cho hộ chiếu. Trong tương lai, Chính phủ cũng hướng tới việc xem xét tích hợp giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và giấy phép lái xe trên CCCD.

Với mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm làm giả, từ tháng 11 năm 2020, thẻ căn cước công dân sẽ được gắn chip điện tử.

Thúy Hiền - Phòng Tổ chức cán bộ

 


Các bài viết liên quan