Tăng tốc tiêm chủng, truy vết, xét nghiệm
Ngày 24/11, Hà Nội tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 15-17 tuổi tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong khi đó, TPHCM ban hành văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch sau khi số ca mắc có xu hướng tăng trở lại.
Hà Nội thêm hơn 100.000 học sinh được tiêm
Hôm qua, Hà Nội tiêm được 108.420 mũi tiêm cho học sinh lớp 10, 11, 12. Qua 2 ngày tiêm chủng, thành phố đã tiêm được 142.038 mũi tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em.
Tính đến ngày 24/11, cả nước đã tiêm hơn 113 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Hiện có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 23 địa phương đạt tỷ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
Còn 4 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình. Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng. Hiện có 35/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 16 địa phương có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Long An.
Ngày 24/11, Việt Nam ghi nhận 11.811 ca mắc COVID-19 tại 59 tỉnh, thành với 6.578 ca trong cộng đồng. Trong đó TPHCM có số mắc mới cao nhất với 1.666 ca, tiếp đó là Cần Thơ 766, Tây Ninh 754, Bình Dương 696, Đồng Tháp 625 và Hà Nội thêm 285 ca.
TPHCM thần tốc truy vết, xét nghiệm
Ngày 24/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký ban hành văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau khi số ca mắc mới có xu hướng tăng trở lại, nhất là tại TP Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Theo đó, chính quyền TPHCM yêu cầu bên cạnh việc thực hiện các quy định về thích ứng, các địa phương cần xem thần tốc truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1. Các quận, huyện phải chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn, lấy người dân là trung tâm, chủ thể và lấy cơ quan, đơn vị, địa phương là nền tảng để chống dịch.
Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, đôn đốc, đẩy mạnh việc tiêm vắc xin, nhất là tiêm mũi 2, tiêm lưu động, tiếp cận những đối tượng có nguy cơ cao (người lớn tuổi, bệnh nền, khó di chuyển), đảm bảo thuốc điều trị, trang thiết bị y tế…. Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải tăng cường kiểm soát chặt di biến động dân cư, nắm tình hình người dân ra vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc…) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên. UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Y tế thực hiện các biện pháp như lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, nâng cao hệ thống y tế, sẵn sàng thiết lập trạm y tế lưu động ở phường, xã, bổ sung nhân lực cho trạm y tế phường có ca mắc tăng cao…
TPHCM đã thành lập 19 đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP Thủ Đức và các quận, huyện từ ngày 25-30/11.
Nguồn báo Tiền phong