Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19

Ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1662/CĐ-TTg về việc tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người bị nhiễm Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định.

Đặc biệt lưu ý những người cao tuổi, người có bệnh nền; chỉ đạo các bệnh viện phối hợp hệ thống y tế dự phòng để tiêm an toàn, nhanh nhất; triển khai khẩn trương việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường.

Bộ Y tế phân bổ ngay thuốc kháng virus dạng viên để các tỉnh, thành phố tổ chức cấp phát cho tất cả người bị nhiễm virus uống ngay sau khi được xác định dương tính; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép, công tác mua sắm bảo đảm đủ thuốc điều trị; tăng cường lực lượng cho các địa phương có yêu cầu. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai hệ thống theo dõi, quản lý sức khỏe cho tất cả người bị nhiễm Covid-19; không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được phát thuốc điều trị ngay…

Ngày 2/12, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, gồm 21 ca nhập cảnh và 13.677 ca ghi nhận trong nước tại 60 tỉnh, thành phố. Trong ngày có 13.258 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 210 ca tử vong tại 22 tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế cho biết, đến nay, Việt Nam tiếp nhận hơn 147,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 94 đợt với tổng số hơn 138,1 triệu liều, còn khoảng 9,4 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng, dự kiến phân bổ trong tuần tới. Tính đến chiều 2/12, cả nước đã tiêm hơn 125,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Ngày 2/12, Bộ Y tế tổ chức lễ tiếp nhận vaccine, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đã tiếp nhận 500 nghìn liều vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca của Chính phủ Argentina tặng Chính phủ Việt Nam; 10.500 sản phẩm AIRism (gồm khẩu trang AIRism và lớp áo AIRism mặc bên trong) do Công ty TNHH Uniqlo Việt Nam hỗ trợ; 9,7 triệu ống dung dịch tiêm BFS-Natri Clorid, do Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội hỗ trợ; năm triệu khẩu trang FFP2 do Tập đoàn RAAS Group hỗ trợ; hai hệ thống PCR, 2 máy tách chiết xuất, kèm theo 23 nghìn bộ lấy mẫu và 500 bộ quần áo bảo hộ do Tổ chức Chăm sóc sức khỏe quốc tế Hàn Quốc viện trợ.

Thực hiện quyết định của Bộ Y tế, ngày 2/12, Bệnh viện Bạch Mai cử đoàn công tác gồm 9 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm lên đường để hỗ trợ An Giang cấp cứu, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.Cùng ngày, đoàn cán bộ y tế gồm 50 bác sĩ, điều dưỡng của TP Hải Phòng lên đường vào hỗ trợ Tây Ninh phòng, chống dịch Covid-19.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã làm việc với tỉnh An Giang về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, công tác tiêm vaccine. Thứ trưởng đề nghị tỉnh tạo điều kiện để người nhiễm Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà được tiếp cận các dịch vụ y tế, điều trị hiệu quả. Thiết lập các bệnh viện, cơ sở điều trị kết nối trong cự ly gần để khi người bị nhiễm Covid-19 chuyển nặng từ tầng 2 lên tầng 3 nhanh chóng hơn.

Ngày 2/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành Công điện số 26/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu các cấp, ngành tăng cường các biện pháp chống dịch. Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống với các F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà theo quy định; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm quản lý thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế và tại nhà.

Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương phối hợp các đơn vị mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện; phối hợp Sở Y tế triển khai ngay các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng theo mô hình trạm y tế lưu động, mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh. Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, nhất là tiêm mũi 2 cho những người hơn 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, trong ngày 2/12, Hà Nội ghi nhận 509 ca mắc Covid-19, trong đó tại cộng đồng 233 ca, số còn lại ghi nhận tại khu cách ly và khu phong tỏa. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc trên địa bàn thành phố cao nhất từ trước đến nay. Tính từ đợt dịch thứ 4, TP Hà Nội ghi nhận 11.575 ca mắc, trong đó có 4.672 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Ngày 2/12, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 4322/UBND-KGVX chấp thuận đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình 4095/TTr-SGDĐT ngày 26/11 về việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh một số khối tại các quận, huyện, thị xã. Theo đó, tại các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có dịch Covid-19 ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, cho phép học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trở lại trường học.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến trưa ngày 2/12, sau khi tiêm 56.766 liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, có nhiều trẻ xuất hiện các biểu hiện phản ứng thông thường như: Sưng, đau chỗ tiêm, buồn nôn, chóng mặt thoáng qua, trong đó có 17 trẻ phản ứng nặng. Tất cả gặp phản ứng sau tiêm chủng đã ổn định sức khỏe, trong đó có 17 trẻ em đang được theo dõi tại bệnh viện các địa phương, còn lại tiếp tục theo dõi tại nhà.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay các địa phương khá linh hoạt trong việc tổ chức dạy học khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện cả nước có chín địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, bao gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang; có 34 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 20 tỉnh, thành phố còn lại đang tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa nâng đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên phạm vi tỉnh từ cấp 2 lên cấp 3, nguy cơ cao (mầu cam). Trong hơn một tháng qua, mỗi ngày tỉnh Kiên Giang đều có hơn 300 ca mắc mới, đến nay số ca mắc trong tỉnh đã vượt 21 nghìn ca. Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đang tổ chức 2 đoàn kiểm tra nhằm đánh giá thực tế công tác phòng, chống dịch. 

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan