Stress học đường

Stress học đường đang trở thành một vấn đề sức khỏe khá phổ biến hiện nay ở trẻ em. Stress học đường được coi là phản ứng tâm lý - sinh lý của học sinh trước những tác động từ các môi trường khác nhau lên sự phát triển cân bằng của cơ thể. 

Nguyên nhân gây ra stress học đường. 

  • Áp lực lớn, kéo dài, hay lặp đi lặp lại từ cuộc sống: Trẻ có thể chịu áp lực từ chính gia đình. Bất đồng trong các mối quan với cha mẹ, hay anh chị em trong gia đình, cách thức giáo dục, những mong muốn hay mục tiêu quá cao của cha mẹ về con đường phát triển của con, về thành tích học tập, cách so sánh với những hình mẫu khác… có thể tạo ra những áp lực lớn cho trẻ. Ngoài ra, trong môi trường học đường, những đòi hỏi về thành tích của giáo viên, nhà trường, hay các mối quan hệ bạn bè, sự trêu chọc, bắt nạt các học sinh khác có thể dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ.
  • Các biến cố trải qua thời thơ ấu như cha mẹ li hôn, sống thiếu tình thân, thiếu sự chăm sóc từ người thân, người thân qua đời, bị lạm dụng… cũng sẽ đưa đến những tác động tới sức khỏe tâm thần của trẻ, khiến trẻ dễ bị stress ở giai đoạn sau này.
  • Giai đoạn đi học cũng là giai đoạn trẻ có những thay đổi nhanh về mặt tâm sinh lý, đặc biệt là giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ dễ chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài lên cảm xúc, và hành vi. Trẻ có thể có những thay đổi trong hành vi dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, hay lười vận động, nghiện trò chơi, thích ngồi máy vi tính, xem tivi, thậm chí có thể hút thuốc, uống rượu,… dẫn đến những suy giảm về mặt thể chất, qua đó tác động tới sức khỏe tâm thần.

Dấu hiệu stress học đường

Một vài dấu hiệu thường gặp của stress học đường như trẻ cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, cảm giác buồn bực không rõ lý do, không làm chủ được cảm xúc của bản thân, dễ bị kích động như la hét, đập phá hay gây sự, đánh nhau hoặc có những hành vi chống đối như trộm cắp, nói dối, không thích làm những việc người khác yêu cầu. 

Ngoài ra, trẻ cũng thường mất đi sự quan tâm đến các hoạt động hay thói quen sinh hoạt quan trọng, mất đi hứng thú với những sở thích của bản thân, thích ở một mình, tách khỏi các mối quan hệ với bạn bè và các hoạt động xã hội. Trẻ cũng có thể cảm thấy mình là người thất bại, vô dụng, không có giá trị với cuộc sống, mất đi sự tự tin vào bản thân, không thích đi học và không thích làm bài tập, dẫn đến kết quả học tập giảm sút. 

Trầm trọng hơn, trẻ có thể xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống, luôn nghĩ đến cái chết và có ý định tự tử.

Một số giải pháp

Ứng phó với stress học đường không chỉ là vai trò của cha mẹ mà còn ở phía thầy cô, nhà trường và cộng đồng.

- Vai trò của cha mẹ:

  • Hướng dẫn trẻ em sắp xếp thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa việc học tập và nghỉ ngơi để giúp các em học tập hiệu quả, giảm áp lực học tập, ngủ đủ giấc để luôn có tinh thần thoải mái và đảm bảo một sức khỏe tốt.
  • Dành thời gian để học cùng trẻ, trò chuyện, lắng nghe, tư vấn, chia sẻ kịp thời những tâm tư, những lo lắng của con cái, đặc biệt là giai đoạn tuổi dậy thì để kịp thời phát hiện những thay đổi về mặt tâm lý của các em qua đó có những can thiệp kịp thời.
  • Đưa ra những lời động viên, khuyến khích con cái, từ những thành công dù là nhỏ nhất để các em có thể củng cố niềm tin và tự tin vào bản thân mình.
  • Khuyến khích trẻ em gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, những mối quan hệ tốt có tác động tích cực tới tâm lý các em.

- Vai trò của nhà trường:

  • Giáo viên cần tránh to tiếng, quát nạt, đánh phạt học sinh, tránh tạo áp lực cho học sinh qua thành tích.
  • Nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, các buổi học nhóm để tạo môi trường giao lưu, học hỏi và giúp các em tháo gỡ các vấn đề thường gặp trong học tập và các mối quan hệ bạn bè, đặc biệt là trước các kỳ thi cử.
  • Phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường ở học sinh, bao gồm cả thành tích học tập, các mối quan hệ bất hòa với bạn bè, hay các dấu hiệu tâm lý bất thường qua đó phối hợp với cha mẹ học sinh tìm ra các giải pháp can thiệp kịp thời, phù hợp với trẻ.

- Vai trò của cộng đồng:

  • Tạo môi trường sống trong xanh, lành mạnh, với những khu giải trí, khu tập thể thao, công viên xanh, các hoạt động cộng đồng phong phú, các hoạt động tư vấn tâm lý để trẻ có thể tham gia giao lưu, giảm bớt căng thẳng sau giờ học.
  • Tổ chức các buổi giao lưu, các câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm giữa cha mẹ để cha mẹ có thể hiểu thêm về các phương pháp giáo dục, cách tiếp cận và phát hiện vấn đề tâm lý và các biện pháp tháo gỡ cho trẻ.

Phương Dung - Khoa YTCC

 


Các bài viết liên quan