Sốt xuất huyết gia tăng, nguy cơ dịch chồng dịch

Dịch bệnh sốt xuất huyết tái bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước. Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều người không dám đến bệnh viện vì ngại bị lây nhiễm. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch bệnh này sẽ gây nguy hiểm, rất dễ xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” nếu người dân có tâm lý chủ quan, lơ là phòng chống.

E ngại COVID-19, nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nguy kịch

Vừa qua, 1 thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà để điều trị sốt xuất huyết, được chuyển đến Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai. Do e ngại COVID-19 bệnh nhân đã không vào viện điều trị. Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng. 

PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Đây là một trong những trường hợp sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Theo PGS Cường, từ đầu năm 2020 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…

Tại các tỉnh miền Trung, hiện tượng nhiều bệnh nhân sợ bị lây nhiễm COVID-19 nên không đi chữa trị, chỉ đến khi nguy kịch thì mới đến bệnh viện.

Đơn cử như ngày 25.8, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận, điều trị cho 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng. Những ca này đều bị sốt tại nhà, đã tự mua thuốc về uống.

BS Phạm Văn Quang (Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng 1) nhận định, thời điểm này tại TPHCM đang thời gian cao điểm của bệnh sốt xuất huyết nên số ca nhập viện do bệnh này tăng lên. Hai tuần gần đây, khoa đã nhận liên tiếp 5 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 3 bệnh nhi sốc nặng kèm suy hô hấp. Trong đó, có bệnh nhi H (12 tuổi, ngụ ở TPHCM), nhập viện trong tình trạng nặng với nhiều nguy cơ như sốc nặng sớm, dư cân béo phì, tổn thương đa cơ quan, trụy tim mạch nặng với mạch, huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều (dung tích huyết cầu 56%). Dù được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn bị suy hô hấp, tăng áp lực ổ bụng nặng, tổn thương nhiều cơ quan, phải thở máy...

“Người dân đang lo lắng về dịch COVID-19 nhưng dịch sốt xuất huyết cũng không được lơ là. Khi con có các dấu hiệu của bệnh, các phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp”- BS Quang cảnh báo. 

Số ca mắc bệnh giảm dễ gây tâm lý lơ là, chủ quan 

Theo Sở Y tế Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết. Sở Y tế cũng nhận định, dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, thống kê của Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tổng ca nhiễm sốt xuất huyết ở 5 tỉnh Tây Nguyên trong 8 tháng đầu năm 2020 đã giảm mạnh so với cùng kỳ 2019 (hơn 26.000 ca). 

Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh ghi nhận hơn 500 trường hợp mắc SXH, tập trung rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, số ca mắc SXH ở người lớn vẫn nhiều hơn trẻ em.

‘’Trong 8 tháng qua, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 350 trường hợp nhiễm SXH, tập trung rải rác khắp các huyện, thành phố nhưng đã giảm sâu so với cùng kỳ 2019. Ngành y tế tỉnh xác định địa phương hiện có đến 7 xã, phường, thị trấn là địa bàn trọng điểm SXH. Lực lượng y tế địa phương vẫn đang xác định những khu vực có chỉ số lăng quăng, bọ gậy cao để phun thuốc khử khuẩn, làm vệ sinh môi trường’’ - ông Đặng Thành - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông - cho biết.

Ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc CDC Khánh Hòa - bày tỏ, 7 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 2.546 ca mắc sốt xuất huyết (không có ca tử vong), giảm 64,7% so với cùng kỳ. Dù số ca SXH có giảm nhưng mỗi tuần vẫn xuất hiện thêm trên dưới 100 ca. CDC Khánh Hòa đã dự trữ 2.000 lít hóa chất diệt muỗi, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các địa phương để thực hiện công tác phòng dịch SXH nên người dân không phải hoang mang, lo lắng. Trung bình mỗi ngày bệnh viện điều trị cho 25-26 bệnh nhân mắc SXH. Trong số này, nhiều ca khi đến bệnh viện thăm khám đã trở nặng. Nguyên nhân là do sự bị lây nhiễm COVID-19 nên tự điều trị tại nhà trước đó. 

Chỉ cần lơ là, dịch sẽ bùng phát mạnh

Hiện nhiều ca mắc SXH ở Tây Nguyên chủ yếu nằm ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa - nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền những khu vực này còn buông lỏng tuyên truyền, vận động phòng dịch cho bà con. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế.  

Ông Viên Chinh Chiến - Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên - cho hay, những tháng tiếp theo là lúc cao điểm mùa mưa, đơn vị sẽ tiếp tục khuyến cáo ngành Y tế các tỉnh bên cạnh việc phòng, chống dịch bạch hầu và COVID-19 cũng cần phải theo dõi sát sao diễn biến bệnh SXH, ngăn không để bùng phát như hồi 2019.

Theo ông Trịnh Quang Trí - Phó Giám đốc (phụ trách) CDC Đắk Lắk: Đặc thù địa hình ở Đắk Lắk chỉ cần chủ quan, buông lỏng thì dịch rất dễ lây lan mạnh dẫn đến khó kiểm soát. Thời gian qua, dịch bệnh này thường xuất hiện với chu kỳ 3 năm/lần. Tuy nhiên, với mức độ giao thương rất lớn giữa các vùng miền, quy luật này bị phá vỡ và số ca mắc có thể gia tăng bất cứ lúc nào. (Lao động, trang 1; Nhân dân, trang 5)

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan