Số người mắc Covid-19 tiếp tục tăng

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 17/11, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.849 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 9.839 ca ghi nhận trong nước, tăng 198 ca so với ngày trước tại 56 tỉnh, thành phố (có 4.956 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk… Trong ngày 17/11 ghi nhận 67 ca tử vong, có 3.873 người được công bố khỏi bệnh. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 874.870 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đang hoàn thiện “Sổ tay Hướng dẫn tổ chức thực hiện phong tỏa vùng có dịch Covid-19”. Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định…

Chiều 17/11, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố kiểm điểm tiến độ triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế cho biết, cả nước đã phân bổ 129,6 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó khu vực miền nam được phân bổ nhiều nhất với hơn 59,3 triệu liều, tiếp đến là khu vực miền bắc với gần 49 triệu liều, khu vực miền trung hơn 14,1 triệu liều và khu vực Tây Nguyên là hơn 4,7 triệu liều. Đến chiều 17/11 cả nước đã tiêm hơn 102 triệu liều, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt khoảng 88,2%, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 50,9% cho người trên 18 tuổi…

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiêm chủng, vắc-xin về đến đâu phải tiêm ngay đến đó, tránh để tồn trong kho. Về tiêm vắc-xin cho trẻ em, các địa phương phải quán triệt, tập huấn cho các điểm tiêm chủng tuân thủ đầy đủ yêu cầu về chuyên môn, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng để tránh xảy ra sai sót không đáng có…

Ngày 17/11, TP Cần Thơ phát hiện 712 ca F0, cao nhất từ khi chuyển về trạng thái bình thường mới và từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, nâng tổng số ca mắc lên 14.151 ca. Trước tình hình số ca mắc mới tăng cao, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 2 cho người dân thành phố nhằm tăng độ phủ vắc-xin, sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Ngành y tế tiếp tục tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm những nơi nguy cơ cao, rất cao; củng cố hệ thống y tế cơ sở để sớm tổ chức cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà ở những nơi đủ điều kiện để giảm tải cho tuyến trên.

Nhằm giảm áp lực cho y tế tuyến tỉnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong quá trình di chuyển bệnh nhân, tỉnh Quảng Ninh đã kích hoạt hệ thống trạm y tế lưu động, phân tầng cách ly điều trị cho hệ thống bệnh viện tuyến dưới. Theo đó, hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện sẽ tiếp nhận, thu dung, điều trị những trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Các bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế tuyến huyện sử dụng cơ sở vật chất hiện có của Khoa Truyền nhiễm hoặc Khoa bệnh nhiệt đới để làm khu điều trị bệnh nhân Covid-19, với quy mô ít nhất 50 giường bệnh. Trường hợp bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh hoặc xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng, các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện tiếp tục sắp xếp, bố trí lại các khu điều trị bảo đảm tiếp nhận, điều trị cho người bệnh quy mô cao hơn theo hướng dẫn.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã họp đánh giá tình hình sức khỏe của 18 cháu bé ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) bị tiêm nhầm vắc-xin. Tại cuộc họp, sau khi xem xét và thảo luận các thông tin về tình trạng lâm sàng của các bé, các thành viên tham dự cuộc họp đều thống nhất cần tiếp tục theo dõi và sẽ tiến hành xét nghiệm lại, đánh giá tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bé. Sau đó sẽ xin ý kiến Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế TP Hà Nội đã lập trước đó để đánh giá về sự cố tiêm nhầm. Nếu tình trạng sức khỏe các cháu ổn định sẽ được cho về nhà; cứ một tháng được kiểm tra sức khỏe lại một lần đến hết 12 tháng.

Ngày 17/11, tỉnh Bạc Liêu thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ 12 đến 17 tuổi. Theo Sở Y tế Bạc Liêu, do có sự chuẩn bị khá chu đáo của các cấp chính quyền và ngành chức năng, việc tiêm vắc-xin ngày đầu diễn ra an toàn và thuận lợi, tỉnh Bạc Liêu được Bộ Y tế phân bổ gần 110.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Các em có thể tiêm chủng tại các cơ sở y tế, tại khu vực dân cư và trường học. Trường hợp những nơi khó khăn, đội lưu động thuộc Trạm Y tế các xã đến tận nhà tiêm chủng cho các em. Toàn tỉnh hiện có hơn 90.000 học sinh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong đợt này.

Ngày 17/11, UBND thành phố Long Xuyên, An Giang cho biết, vừa xảy ra ổ dịch tại Công ty TNHH may xuất khẩu Đức Thành 1 tại phường Mỹ Thới. Trước đó, công ty tầm soát 1.511 công nhân phát hiện có 222 trường hợp nhiễm đều là công nhân và hầu hết tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Các F0 được đưa vào khu cách ly của công ty, cho tạm dừng hoạt động khu vực có F0 để tiếp tục sàng lọc và khử khuẩn, cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã tiêm hai mũi vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 65,35%; tiêm mũi 1 cho học sinh lớp 12 được 17.931 em.

Ngày 17/11, UBND tỉnh Kiên Giang điều chỉnh và công bố cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Kiên Giang cấp độ 2, nguy cơ trung bình (vùng vàng). Về cấp huyện có hai đơn vị cấp độ 1, nguy cơ thấp (vùng xanh); 12 đơn vị cấp độ 2 và một đơn vị cấp độ 3, nguy cơ cao (vùng cam). Đáng lưu ý, huyện đảo Kiên Hải từ một địa bàn “vùng xanh” đã chuyển mầu nhanh chóng trở thành “vùng cam”. Đến nay, toàn tỉnh có 15.678 ca mắc Covid-19.

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan