Sản xuất được vaccine COVID-19 mới là thành công

Sản xuất được vaccine COVID-19 mới là thành công

Trước sự tấn công của đại dịch COVID-19, cả thế giới thất thủ. Với Việt Nam, cho đến nay, người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa tới bốn con số với 25 ca tử vong cũng đã là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Nhưng cho dù nỗ lực hạn chế người bị lây nhiễm và tử vong, thì nguy cơ vẫn treo lơ lửng trên đầu, chỉ có bào chế ra vaccine COVID-19 mới là thành công thực sự. Chưa có vaccine, thế giới luôn trong thế thụ động, chông chênh. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, sẽ suy thoái kinh tế toàn cầu, đó là điều chắc chắn.

Vì vậy, nhiều quốc gia đang đua nghiên cứu, sản xuất vaccine COVDID-19. Có ý kiến cho rằng, không nên chạy đua sản xuất vaccine. Nhưng phải hiểu “chạy đua” theo nghĩa tích cực, đó là những bộ óc giỏi nhất của các quốc gia cùng nghiên cứu, làm cho được vaccine càng sớm càng tốt. Sớm một ngày, nhân loại yên an được một ngày.

Các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc đều có những thông tin tích cực, thế giới có thêm niềm hy vọng.

Việt Nam là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vaccine theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Đến nay đã có 4 nhà sản xuất trong nước là VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN tham gia trực tiếp vào cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 cho người Việt Nam.

Từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, một số nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu bào chế vaccine âm thầm lao động trong phòng thí nghiệm, một công việc nặng nề, áp lực nhưng thực sự cảm hứng. Đứng trước thử thách khoa học này, không ai không cảm hứng, đồng thời tự thấy trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Đừng bao giờ nghĩ rằng, Việt Nam còn nghèo, trình độ các ngành khoa học của Việt Nam còn thua xa các nước nên không thể sản xuất được vaccine COVID-19. Hãy tự tin rằng, Việt Nam có những nhà khoa học xuất sắc, ngang tầm với thế giới, có thể làm nên chuyện bất ngờ.

Vào thời điểm nhân loại đang đối diện với mối nguy ghê gớm này, quốc gia nào sản xuất được thuốc giải đầu tiên mới thực sự là “ngạo nghễ”, thành công, mới xứng đáng được ghi danh vào bảng vàng khoa học.

Có tỉ phú Việt Nam từng hỏi “tiền nhiều để làm gì?”, thì lúc này tiền rất đáng để đầu tư cho các viện nghiên cứu sản xuất vaccine. Cụ thể như, Quỹ Đổi mới sáng tạo (Tập đoàn Vingroup) đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19).

Nhưng theo người viết, các tỉ phú Việt nên treo giải thưởng lớn cho các nhà khoa học, cá nhân hay tập thể bào chế được vaccine COVID-19. Những ai làm được việc này để cứu người, để vinh danh đất nước, thì rất xứng đáng được tuyên dương và trao phần thưởng. 

Sớm nhất đến tháng 6-2021 có vaccine Covid-19

Chiều 19-8, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 với lãnh đạo sở y tế các địa phương trong cả nước. 

Tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong gần 1 tháng qua, nhờ triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt, chưa từng có tiền lệ mà các ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây.

Về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào nhà hàng “Thế giới bò tươi” - nơi có ca bệnh 867 trong khoảng ngày 25-7 tới 27-7. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng. Ngay từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch… Tuy vậy, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định tới đây vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng. 

Liên quan đến vấn đề vaccine ngừa Covid-19, GS-TS Nguyễn Thanh Long cho biết, chúng ta đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận vaccine nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine Covid-19. Từ nay đến lúc đó chúng ta phải luôn sẵn sàng “chiến đấu” với dịch.

Ngày 19-8, Bộ Y tế đã có công điện gửi giám đốc sở y tế, lãnh đạo các đơn vị y tế trong cả nước yêu cầu tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh; tuyệt đối không để người nhà, người chăm sóc dịch vụ chăm sóc đối tượng người bệnh này trong giai đoạn dịch Covid-19 hiện nay; thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện giữa các khoa, phòng và các nhóm nhân viên y tế; chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở nhân viên y tế, người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2…

Chiều cùng ngày, sau 3 tuần cách ly y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các thành viên trên chuyến bay đưa 219 công dân tại Guinea Xích đạo về nước ngày 29-7 đã được trở về nhà.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 19-8, cả nước đã ghi nhận thêm  4 ca mắc mới Covid-19 (từ ca thứ 990-993), trong đó có 2 ca tại Đà Nẵng, 1 ca tại Quảng Nam và 1 ca tại Hải Dương. Cả nước có thêm 15 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn là 26 trường hợp. Trong số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 98 người đã âm tính với SARS-CoV-2. 

Nguồn báo Lao động và Sài Gòn giải phóng

 


Các bài viết liên quan