PGS. TS Trần Như Dương: Phòng chống dịch phải là một phần của cuộc sống 'bình thường mới'

Vừa hoàn thành chuyến công tác hơn một tháng tại Hải Dương để hỗ trợ tỉnh chống dịch COVID-19, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN trong ngày đầu tiên Hải Dương kết thúc cách ly xã hội toàn tỉnh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Hải Dương cho rằng: "Phải phòng, chống dịch COVID-19 một cách thường xuyên, liên tục, coi đây là một phần của cuộc sống trong điều kiện bình thường mới". 

PGS. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Hôm nay là ngày đầu tiên Hải Dương kết thúc cách ly xã hội toàn tỉnh, chuyển sang trạng thái nới lỏng giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh của từng địa phương. Với vai trò là Trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã cùng kề vai, sát cánh với Hải Dương chống dịch trong suốt 34 ngày vừa qua, ông có cảm xúc và suy nghĩ gì trong thời điểm này?

Phải nói rằng cả nước đều rất vui mừng vì đến hôm nay tình hình dịch bệnh tại tỉnh Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát. Đây là thành quả của những nỗ lực rất lớn, đầy trách nhiệm của đảng bộ, chính quyền và các lực lượng chống dịch của tỉnh Hải Dương, của các lực lượng trung ương chi viện cho Hải Dương, đặc biệt là sự ủng hộ, đóng góp lớn lao mang tính quyết định của nhân dân trong cuộc chiến chống dịch này.

Hải Dương về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới vừa chủ động phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội, tiến tới dập tắt hoàn toàn dịch bệnh. Tuy nhiên không phải là không còn những nguy cơ, vậy theo ông những nguy cơ đó là gì?

Cho đến nay với rất nhiều nỗ lực chống dịch, chúng ta đã có được những kết quả đáng ghi nhận như vậy. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện tốt, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng mầm bệnh là người lành mang trùng có thể còn ẩn náu, lẩn khuất như kẻ thù dấu mặt trong cộng đồng mà chưa thể hết ngay được vì chủng virus lần này có tỷ lệ người lành mang trùng rất cao.

Do vậy, nguồn lây là người lành mang trùng vẫn luôn là nguy cơ cho cộng đồng và có thể sẽ còn gây ra các ca mắc mới trong thời gian tới. Chúng ta phải nhìn nhận sự thật khách quan này để luôn phải cảnh giác cao độ, luôn chủ động trong xử lý dịch để không bị động, bất ngờ; phải có những biện pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để có thể vừa an toàn vừa phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải luôn coi việc phòng chống dịch COVID-19 một cách thường xuyên, liên tục là một phần của cuộc sống trong điều kiện bình thường mới.

Lực lượng chức năng tháo gỡ rào chắn tại vị trí chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở quảng trường Sao Đỏ. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Thưa Phó Giáo sư, là một chuyên gia dịch tễ, sau hơn 1 tháng “3 cùng” với Hải Dương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, ông đánh giá những khó khăn như thế nào trong chống dịch lần này của tỉnh?

Có thể nói, việc chống dịch lần này tại Hải Dương rất phức tạp và khó khăn.

Thứ nhất, dịch là do biến chủng kiểu Anh của virus có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh. Cả thế giới đều khiếp sợ chủng virus này.

Thứ hai, theo thống kê của Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ người lành mang trùng lần này cao gấp đôi so với các vụ dịch trước đây, lên tới 80% nên vô cùng khó khăn để giám sát phát hiện ra ca bệnh thông qua các biện pháp giám sát thông thường, bắt buộc phải thông qua xét nghiệm diện rộng, nhanh.

Thứ ba là ổ dịch bị phát hiện muộn cả ở Chí Linh và Cẩm Giàng nên đã gây ra sự lây nhiễm lớn, tạo ra những trọng điểm dịch phức tạp. Tại Chí Linh, dịch xảy ra ban đầu ở môi trường khu công nghiệp nên lây nhiễm cao và tạo ra mối liên quan dịch tễ lớn với cộng đồng dân cư ở nhiều huyện khác nhau trong tỉnh. Còn tại Cẩm Giàng, dịch xuất phát từ dịch vụ nhạy cảm Karaoke nên mối liên quan dịch tễ càng lớn, truy vết rất khó khăn.

Thứ tư là, dịch lại xảy ra vào dịp Tết nên lại càng khó khăn hơn cho việc chống dịch. Đặc biệt, do dịch xảy ra dồn dập, cường độ mạnh, số ca mắc lớn trong một thời gian ngắn nên ở giai đoạn đầu việc phải đáp ứng tổ chức cách ly tập trung F1 với số lượng quá lớn, cũng như đòi hỏi xét nghiệm phải nhanh và số lượng bệnh phẩm đổ về hàng ngày cao gấp vài chục lần so với bình thường nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn cho tỉnh trong giai đoạn đầu chống dịch.

Khi chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại quảng trường Sao Đỏ được gỡ bỏ, người dân Chí Linh mừng rỡ reo hò. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Phó Giáo sư đánh giá cách triển khai chống dịch ở Hải Dương như thế nào ?

Qua hơn 1 tháng sát cánh với Hải Dương chống dịch, chúng tôi thực sự thấy rằng tỉnh Hải Dương đã rất nỗ lực, quyết liệt và kịp thời trong chống dịch. Tỉnh đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương trong triển khai các biện pháp chống dịch và đã chiến đấu với tinh thần “chống dịch không chỉ riêng cho Hải Dương mà còn là để giữ an toàn cho cả nước”.

Tỉnh cũng đã khắc phục ngay những tồn tại Trung ương yêu cầu; kịp thời siết chặt kỷ luật tại các khu cách ly tập trung, tăng công suất lấy mẫu xét nghiệm, đẩy mạnh chiến lược phòng chống dịch dựa vào cộng đồng thông qua các Tổ giám sát và phòng chống COVID-19 tại cộng đồng. Đến nay, Hải Dương đã thành lập được gần 11.000 tổ phòng chống COVID -19 tại cộng đồng với khoảng 2,5 vạn người dân tham gia. Có thể nói, việc thành lập và đưa các tổ này vào hoạt động thực chất, hiệu quả là một điểm sáng của Hải Dương trong chống dịch lần này và đã góp phần rất lớn cho công tác chống dịch.

Cùng đoàn chuyên gia của Bộ Y tế “nằm vùng” tại Hải Dương chống dịch trong suốt những ngày qua, điều ấn tượng mạnh mẽ với ông là gì?

Hơn 30 ngày qua, rất nhiều điều ấn tượng với chúng tôi. Đó là sự chiến đấu quên mình, tận tụy không kể ngày đêm, quên ăn, thiếu ngủ của tất cả các lực lượng chống dịch từ các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền; lực lượng công an, quân đội và tất nhiên là của đội ngũ nhân viên y tế, thầy thuốc và các lực lượng chống dịch khác. Hình ảnh hàng nghìn sinh viên là những thầy thuốc trẻ tương lai đã xuyên Tết chống dịch cùng các chiến sĩ, các lực lượng bám trụ tại các chốt kiểm soát dầm mưa dãi nắng, ăn tạm, ngủ lều nhiều ngày liền là những hình ảnh vô cùng xúc động và cảm phục.

Điều khiến chúng tôi xúc động hơn nữa là sự đoàn kết, đồng lòng, niềm tin và sự ủng hộ của người dân Hải Dương trong công tác chống dịch cùng với đó là tình cảm, sự ủng hộ của tất cả các tỉnh, thành phố và nhân dân cả nước dành cho Hải Dương đã tạo nên sức mạnh to lớn để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh.

Từ chiều 2/3/2021, học sinh, sinh viên người Hải Dương đang theo học ở các tỉnh, thành phố khác nếu có nhu cầu sẽ được ngành Y tế Hải Dương tạo điều kiện tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại trường. Việc lấy mẫu được thực hiện tại quảng trường của Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, đường Thanh Niên, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Theo Phó Giáo sư trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương cần phải lưu ý gì  để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội?

Trong bối cảnh hiện nay, Hải Dương cần tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kế hoạch tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh; trong đó, phải chi tiết các kịch bản, các tình huống và đảm bảo nguồn lực, cơ sở vật chất, phân công phân nhiệm cụ thể.

Tỉnh cần tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện đúng, đầy đủ 5 chiến lược mà Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19  đã đề ra. Khi xuất hiện ca bệnh mới, lập tức quây thật chặt, xử lý ổ dịch triệt để với phương châm “dập tắt dịch ngay từ khi còn là đốm lửa nhỏ, kiên quyết không để lan thành đám cháy”. Trước mắt, cần tập trung nguồn lực cao nhất, quyết liệt khoanh vùng để dập tắt ổ dịch tại huyện Kim Thành trong thời gian sớm nhất.

Cần duy trì hiệu quả, thực chất các Tổ giám sát và phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng. Tổ này vô cùng quan trọng vì đây chính là thực hiện chiến lược phòng chống dịch dựa vào cộng đồng, dựa vào nhân dân. Tổ này cũng chính là cánh tay nối dài của chính quyền và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch. Hải Dương phải xem đây một trong những biện pháp chiến lược, căn cơ, lâu dài cho công tác phòng chống dịch của tỉnh. Việc thành lập các tổ An toàn COVID-19 trong cơ quan, trường học, doanh nghiệp cũng cần được thực hiện và phải hoạt đồng thực chất, hiệu quả. 

Tỉnh cũng cần chú trọng giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bệnh viện, giám sát chặt các ổ dịch cũ, ổ dịch mới và đầu tư nhân lực cho hệ thống giám sát ở các tuyến để có năng lực phát hiện ngay được ca bệnh nghi ngờ, không để dịch có cơ hội bùng phát. Hải Dương cũng phải đảm bảo kinh phí lâu dài cho việc giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm COVID-19, vì đây chính là chỉ số giám sát, theo dõi dịch rất quan trọng cần thực hiện. Cùng với đó, nên định kỳ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chọn mẫu một số nhóm người có nguy cơ cao.

Đồng thời, tỉnh cần bám sát kế hoạch của Trung ương để triển khai thật tốt việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19; tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch cho nhân dân và phải coi công tác tuyên truyền như là những liều “vaccine”, “liều thuốc” thực sự trong phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó tỉnh cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch từ tuyến trên xuống tuyến dưới; rà soát củng cố các khu cách ly tập trung, chuẩn bị nguồn lực và cơ chế vận hành để đảm bảo đáp ứng mọi tình huống.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Mạnh Minh (TTXVN)

 


Các bài viết liên quan