PGS.TS Trần Đắc Phu: "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch Covid-19"

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã có những khuyến cáo cụ thể để người dân bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình trong giai đoạn "sống chung với Covid-19".

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Đây là thay đổi lớn về chiến lược chống dịch Covid-19 nhằm "sống chung" với Covid-19.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, đây là văn bản hết sức quan trọng, quy định việc đánh giá cấp độ dịch Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Chúng ta không hướng tới mục tiêu "xóa sổ" Covid-19 mà đưa ra các tiêu chí đánh giá dịch Covid-19 ở từng giai đoạn, với từng địa phương để có cách ứng phó an toàn, linh hoạt, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sức khỏe của người dân.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã có những khuyến cáo cụ thể để người dân bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình trong giai đoạn "chung sống với Covid-19".

Dịch Covid-19 bùng phát bất cứ lúc nào nếu phòng dịch không tốt

PV: Trong 1 tuần qua, số ca Covid-19 mới trong ngày đã giảm hơn 1 nửa so với những ngày trước đó (chỉ còn gần 6.000 ca mỗi ngày) và đang tiếp tục giảm. Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch Covid-19 trong thời gian tới tại Việt Nam?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cho dù dịch đã có xu hướng giảm dần, hiện dịch cơ bản đã được kiểm soát ở các tỉnh thành phố. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch còn rất cao và thời gian tới cũng sẽ xuất hiện các ổ dịch mới. Tôi tin rằng với những kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua, chúng ta sẽ không để dịch bùng phát, lây lan quá mạnh.

Nhưng nếu lơ là, chủ quan thì dịch vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, bất cứ ở địa phương nào khi chúng ta mở cửa để trở lại buôn bán, làm việc... Nhất là những nơi có sự giao thương, đi lại đông đúc, các tỉnh có khu công nghiệp lớn.

Trong các chính sách, chiến lược chống dịch hiện nay không hướng tới "làm sạch" Covid-19 mà là "dịch đến đâu ứng phó đến đó". Theo ông, tại sao lại có sự thay đổi này?

Biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, trong thời gian ngắn dịch đã lan rộng hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia đưa ra quan điểm "sống chung an toàn với Covid-19" và dần bỏ quan điểm "Zero Covid-19". 

Tại Việt Nam cũng vậy, dịch hiện đã xuất hiện tại 62 trong số 63 tỉnh. Hơn nữa dịch đã "ngấm" tương đối sâu trong cộng đồng, việc quét sạch F0, đưa F0 về "zero" trong thời điểm hiện nay là rất khó. Chúng ta chỉ có thể khống chế ở mức độ nhất định, nhất là khi tới đây chúng ta thực hiện nới lỏng để phát triển kinh tế. 

Nhu cầu làm kinh tế cũng vô cùng quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội và cũng là để có nguồn lực cho phòng chống dịch.

Chính vì thế, Thủ tướng mới đưa ra vấn đề cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả; cần có biện pháp, bước đi phù hợp để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa làm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội người dân.

4 điều kiện "tiên quyết" để sống chung với Covid-19

Theo ông, để chung sống an toàn với Covid-19 điều quan trọng nhất là gì?

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả không có nghĩa là chúng ta buông xuôi. Chấp nhận phải có F0 trong cộng đồng nhưng không để bùng phát mạnh để không quá tải hệ thống y tế, không có ca bệnh nặng và như vậy không có tử vong. 

Để "thích ứng và kiểm soát dịch Covid-19" cần phải có ít nhất 4 điều kiện.

Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để thích ứng là vẫn phải kiểm soát dịch. Vì tỷ lệ tiêm vắc xin của nước ta còn thấp, chưa đồng đều giữa các địa phương nên vẫn phải kiểm soát không để số mắc tăng quá nếu số mắc cao quá sẽ quá tải bệnh viện và tử vong tăng.

Điều kiện thứ 2 là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Điều kiện này là vô cùng quan trọng để Việt Nam nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng (nghĩa là phải tiêm được 70% dân số trở lên, đặc biệt tỷ lệ tiêm cho người già và người có bệnh nền phải đạt trên 95%). 

Khi đạt được miễn dịch cộng đồng thì về lâu dài có thể "chung sống"như bệnh cúm mùa thông thường và hiện nay một số quốc gia coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Điều kiện thứ ba là phải luôn có sẵn cơ sở điều trị để không người bệnh nào không được can thiệp y tế khi cần thiết. Tiếp tục tuân thủ tháp điều trị 3 tầng, đủ ICU. Phải có hệ thống y tế cơ sở tiếp cận gần dân, đủ ô xy… để người mắc Covid-19 không bị chuyển nặng, không gây "sụp đổ" hệ thống y tế không gây tăng tử vong.

Điều kiện cuối cùng là tất cả các ngành các cấp, các địa phương phải có phương án đảm bảo an toàn để thích ứng với dịch bệnh một cách phù hợp và linh hoạt đảm bảo vừa kiểm soát được dịch vừa làm kinh tế thực hiện mục tiêu kép. 

Ví dụ như công nghiệp hoạt động như thế nào, nông nghiệp ra sao, các ngành nghề (chuỗi cung ứng, vận tải, siêu thị...) giáo dục...: học sinh đi học an toàn thế nào. Mỗi địa phương, mỗi ngành phải có phương án hành động phù hợp với tình hình dịch bệnh...  

Nguồn báo Nông thôn ngày nay

 


Các bài viết liên quan