Những điều chưa biết về điều tra dịch tễ

(PLVN) - Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, người ta thường chú ý đến lực lượng bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân, mà ít ai biết rằng lực lượng điều tra dịch tễ vẫn đang âm thầm, ngày đêm làm công việc của mình nhằm ngăn chặn, hạn chế tốt nhất việc lây lan ra cộng đồng. 

Những điều chưa biết về điều tra dịch tễ

Từ ngày có dịch, các cán bộ ngày nào cũng giao ban để đánh giá tình hình

Bác sĩ điều trị làm công việc của mình khi có bệnh nhân. Còn cán bộ điều tra dịch tễ là những người đi trước và đi sau dịch một bước. Công việc của họ khá vất vả khi phải nắm tình hình và điều tra từng người mà bệnh nhân tiếp xúc, khảo sát, nắm bắt tình hình và tư vấn những quyết định về vùng dịch đó. Công việc của họ âm thầm lặng lẽ, nhưng lại có ý nghĩa ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.

Lặng lẽ, âm thầm

Theo tìm hiểu, từ trước khi có dịch, để đảm bảo an toàn và không để bệnh lây lan, ngành Y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ những người tiếp xúc để theo dõi tình hình dịch bệnh. Điều tra dịch là tổ chức và tiến hành thu thập đầy đủ thông tin dịch tễ học cần thiết về cường độ và sự phân bố bệnh trong cộng đồng nhằm đạt được mục tiêu của dịch tễ học. 

Cũng là cơ sở khoa học để chứng minh nguồn lây và tác nhân gây dịch, phương thức lây truyền dịch, sự phân bố dịch theo thời gian, địa điểm, con người. Từ đó, lựa chọn biện pháp can thiệp hợp lý, hiệu quả nhất.

TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), cho biết: “Ở đơn vị chỉ có một, hai người trực thôi, còn các cán bộ khác đang đi thực địa để điều tra dịch tễ”.

Bác sĩ Thái cho biết thêm, thời gian qua, Khoa đã tổ chức 6 đội cơ động, không được phép gián đoạn liên lạc để sẵn sàng lên đường tới các điểm dịch thực hiện công việc của mình. “Công việc của chúng tôi là điều tra, giám sát, cảnh báo, lấy mẫu xét nghiệm và sàng lọc thông tin từ tất cả các nguồn. Mỗi ngày chúng tôi nhận dồn dập rất nhiều loại thông tin và trách nhiệm của cán bộ ở đây là phải sàng lọc, nhận biết chỗ nào cần phải điều tra, phải cách ly...”, bác sĩ Thái chia sẻ.

Giải thích thêm về công việc rất đỗi lặng lẽ ấy, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm cho hay, khi nhận được thông tin là ở đâu đó có trường hợp người từ Hàn Quốc về thì cán bộ của Khoa phải biết được chính xác người đó ở đâu về, tiếp xúc với ai, có thuộc diện cần phải cách ly hay cần phải lấy mẫu xét nghiệm không... Nếu cần thì sẽ tiến hành lấy mẫu.

Từ trước Tết cổ truyền, Khoa đã thành lập các đội cơ động để lên đường tới vùng dịch bất cứ lúc nào. Do đó, ngay cả những ngày nghỉ Tết, đêm Giao thừa không có cán bộ nào nói nhà em có việc bận, con nhỏ, xin khất, thậm chí, nhiều người xung phong. Đến hôm nay, ngay cả khi ở Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tất cả các bệnh nhân dương tính với Covid-19 đã khỏi bệnh nhưng vẫn có một đoàn học viên, tình nguyện viên của Viện và một số Viện ở các tỉnh lân cận đang phối hợp với cán bộ điều tra dịch tễ đang nằm vùng ở xã Sơn Lôi do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lãnh đạo, để điều tra lại một cách tổng thể, toàn bộ các đối tượng với mục đích truy tìm ra những gì còn chưa hiểu để có biện pháp phòng chống tốt hơn.

Rất may chúng ta đã tạm yên tâm về vùng dịch ở Vĩnh Phúc khi đến nay chưa phát sinh ca bệnh mới. Nhưng với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với trường hợp mắc bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào vùng dịch từ châu Á đã lan sang Âu và tiếp tục tới Trung Đông. Các cán bộ trong Khoa đều xác định phải luôn sẵn sàng vì làm sao biết được người nào đó là nguy cơ. Hiện nay chỉ biết trông chờ giám sát, thông tin, tự khai báo của người từ vùng dịch trở về.

Cán bộ điều tra dịch tễ

Vẫn còn quá sớm để… “ăn mừng”

Ngoài việc theo dõi dựa vào khai báo thì cán bộ dịch tễ còn theo dõi dịch tễ bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện. Có bệnh nhân không có dấu hiệu tiếp xúc ca bệnh, không từ vùng dịch về nhưng bị viêm phổi nặng đều phải đi lấy mẫu để xét nghiệm. “Nếu bệnh nhân đe dọa tử vong thì chúng tôi phải đi lấy mẫu trong đêm, vì nếu tử vong sẽ không kịp lấy mẫu. Cũng may tất cả những ca bệnh này đều có kết quả xét nghiệm âm tính nên diễn biến dịch không có yếu tố bất ngờ. Vì khi các bệnh nhân không tiếp xúc với người bệnh, không trở về từ vùng dịch mà kết quả xét nghiệm dương tính thì sẽ khó cho công tác điều tra dịch tễ, hành trình tiếp xúc của bệnh nhân, công tác ngăn chặn, phòng chống dịch. Do đó, để tránh điều này xảy ra, các cán bộ đã phải làm việc hết công suất”, bác sĩ Thái chia sẻ.

Không ít cán bộ sau khi điều tra dịch tễ về cũng “phát sốt” khi nghe tin bệnh nhân có kết quả dương tính. Đó là một lái xe sau khi trở về từ vùng dịch Sơn Lôi và một nữ bác sĩ của Khoa, một phần vì do áp lực công việc, mỗi ngày phải điều tra tới 20 người, từ 8h sáng tới 9h tối; một phần vì áp lực tâm lý chứ không phải vì lây bệnh Covid-19. Ngoài ra, các bác sĩ khác khi đi về từ vùng dịch cũng phải đeo khẩu trang liên tục, về nhà phải vào phòng riêng để tự cách ly.

Nói thêm về “chiến thắng” ở Sơn Lôi, bác sĩ Thái cho rằng, sự xuất hiện đội “cơ động” và sự hỗ trợ của các đoàn công tác chuyên môn của Trung ương đã giúp địa phương không bị lúng túng trong công tác thu dung bệnh nhân ra sao, ai cần đưa vào khu cách ly, điều tra tiếp tục như thế nào, phát hiện bệnh nhân mới, cô lập ra sao... từ đó góp phần ngăn chặn không cho dịch lan rộng, và kết quả là dịch chỉ dừng lại ở đó, không có ca tự phát. Cho tới thời điểm này, chúng ta có thể tự hào về việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 một cách bài bản, hiệu quả, nhưng vẫn còn quá sớm để “ăn mừng” và các bác sĩ, cán bộ của Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vẫn sẽ tiếp tục phải căng mình “chiến đấu”, lăn xả vào các vùng dịch mới.

Một cán bộ trong điều tra dịch tễ cho biết, việc đi trước và sau dịch, là mũi tiên phong chịu trách nhiệm nặng nề để chứng minh nguồn lây và tác nhân gây dịch, phương thức lây truyền dịch, sự phân bố dịch theo thời gian, địa điểm, con người. Từ đó, lựa chọn biện pháp can thiệp hợp lý, hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc dịch bệnh, thế nhưng mọi thứ đó không đáng sợ bằng ánh mắt, nhận định của người dân khi biết mình trở về từ vùng dịch. Họ lo lắng khi tiếp xúc với những y, bác sĩ từ vùng dịch hay điều trị cho người mắc bệnh. 

Năm nay các y, bác sĩ trải qua một năm mới đặc biệt, đầy vất vả khi Tết đã không được nghỉ vì trực, chống dịch và lặng lẽ đi qua Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 vì Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng như nhiều bệnh viện, cơ sở y tế công bố không tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm để tập trung phòng chống dịch.

Bích Vân

 


Các bài viết liên quan