Những 'chiến binh' thầm lặng điều tra dịch tễ để chống Covid-19
Trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam là sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành cùng với những chiến sỹ mặc áo blouse trắng. Không chỉ là những bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân, mà đó còn là những “chiến sỹ” ngày đêm âm thầm làm việc, từ việc điều tra dịch tễ của các ca bệnh, ca nghi nhiễm đến việc tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xử lý.
Những “chiến binh” thầm lặng
Có dịp tới Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, chúng tôi mới được thực “mục sở thị” công việc của các nghiên cứu viên nơi đây. Được biết, đây là 1 trong 2 đơn vị của Viện chịu trách nhiệm chính trước Bộ Y tế về chuyên môn liên quan đến dịch. Hàng ngày, các nghiên cứu viên của Khoa sẽ thực hiện sàng lọc những ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 từ các bệnh viện tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh. Từ đó xác định xác định ca bệnh, nơi nào cần lấy mẫu xét nghiệm, điều tra và cần cách ly. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo số liệu các ca bệnh hàng ngày cho Viện, Bộ Y tế để đưa ra những giám sát, cảnh báo về tình hình dịch bệnh một cách chính xác nhất.
"Nhóm phản ứng nhanh" thực hiện "3 cùng" tại khu vực xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Bác sĩ Lưu Nguyên Thắng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm chia sẻ, trong dịch Covid-19, không chỉ riêng anh mà các đồng nghiệp trong Khoa đều phải làm việc với cường độ liên tục, gấp 3 lần so với những ngày thường. Đặc biệt, dịch xảy ra trong thời điểm Tết Nguyên đán - là dịp để sum họp cùng với những người thân trong gia đình nhưng các cán bộ điều tra viên của Khoa hầu như không có Tết. Họ đều phải ngày đêm cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực nên không có thời gian cho gia đình.
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, sau khi phân loại, các mẫu xét nghiệm trong diện bị nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, sẽ được Khoa đóng dấu đủ tiêu chuẩn và chuyển lên Khoa Virus của Viện để làm xét nghiệm.
Cán bộ điều tra dịch tễ xuống làm việc, thực hiện chống dịch Covid-19 tại xã Sơn Lôi
BS Thái cho biết thêm, khi bên Khoa Virus làm xét nghiệm xong và trả kết quả, các nghiên cứu viên của Khoa sẽ tiến hành bước tiếp theo là điều tra tiếp xúc. Một người nghi nhiễm, nhiễm có thể tiếp xúc với rất nhiều người, vì vậy, trong quá trình tiếp xúc họ sẽ lây ra cho những người xung quanh. Cụ thể, ngay khi phát hiện ca bệnh quê ở Vĩnh Phúc, việc đầu tiên phải làm là điều tra những người đã tiếp xúc với những người đó, đề nghị họ cung cấp thông tin, và sẽ tiến hành sàng lọc, điều tra kỹ hơn. Theo BS Phạm Quang Thái, việc theo chân những người tiếp xúc đó để truy tìm các dấu vết lây nhiễm có thể có của bệnh là công việc cực kỳ vất vả, yêu cầu mỗi cán bộ điều tra viên phải liên tục theo dõi, cập nhật hàng ngày.
Thực hiện đo thân nhiệt cho trẻ em xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên
“Tất cả mọi người đều làm hết khả năng, sẵn sàng ứng trực liên tục, không ai được phép ngừng liên lạc. Trong bất cứ tình huống nào, khi có lệnh điều động là phải lên đường. Tôi nhớ đó là đêm 30 Tết, phía bệnh viện gọi điện thông báo có ca bệnh nặng, mọi người đều sẵn sàng lên đường để lấy mẫu xét nghiệm. Chúng tôi đều xác định không sợ dịch bệnh nếu biết cách phòng chống và thực hiện các biện pháp phòng chống phù hợp.”- BS Phạm Quang Thái chia sẻ.
Bác sĩ đi điều tra dịch tễ về “sốt” vì… quá mệt
BS Thái cho biết, khó khăn lớn nhất trong công việc của các nghiên cứu viên trong Khoa là khi vào điều tra ổ dịch. Bởi trong giai đoạn đầu của bệnh, khi chưa có những thông tin chính xác của dịch bệnh này, nhiều bác sĩ lo lắng, đã có trường hợp bác sĩ sau khi đi điều tra dịch tễ về đã bị sốt do mệt.
Có bác sĩ sau khi đi điều tra bệnh nhân về, 3 ngày sau bệnh nhân ấy có kết quả dương tính. Khi đó, bác sĩ ấy phải đeo khẩu trang liên tục, tự cách ly và theo dõi triệu chứng liên tục. Bên cạnh đó, cường độ làm việc áp lực, vô cùng vất vả cũng khiến các bác sĩ, nghiên cứu viên của Khoa có thể do mệt nên cũng bị sốt. Tuy nhiên ở đây, họ sốt hoàn toàn do mệt, do áp lực công việc chứ không phải do lây nhiễm”- BS Thái cho biết.
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Mỗi buổi sáng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm đều triển khai họp trao đổi nghiệp vụ với các viện như Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Pasteur TP HCM… Tại đây, các bác sĩ sẽ chia sẻ thông tin dịch bệnh diễn biến tại các vùng miền trên cả nước, đồng thời trao đổi các triệu chứng mà bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19, đang nhiễm đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, sự đoàn kết cũng như sẵn sàng trong công tác chống dịch luôn là nhiệm vụ chung và được Viện đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, thời gian qua Viện đã có những thành công ban đầu khi trong việc phân lập được virus. GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, đến nay, 16 ca dương tính với Covid-19 đã hoàn toàn khỏi bệnh và ra viện. Tuy nhiên, tại địa bàn Vĩnh Phúc, đặc biệt là vùng xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, các trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử 1 đoàn các cán bộ, chuyên gia được gọi là “nhóm phản ứng nhanh” xuống phối hợp với Sở Y tế Vĩnh Phúc và các đơn vị y tế của tỉnh trong việc khống chế, kiểm soát, cách ly các trường hợp nghi ngờ hoặc những trường hợp tiếp xúc gần. “Nhóm phản ứng nhanh” sẽ ở lại Vĩnh Phúc cho đến khi tình hình dịch lắng xuống.
“Chúng tôi hỗ trợ bằng cả kiến thức của mình về phòng chống dịch, nhân lực, vì anh em phải đi Vĩnh Phúc và thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch) với cán bộ y tế và bà con nhân dân ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Mọi người cũng sẵn sàng, tiếp tục bám trụ ở đó. Hiện công việc đang tiến triển rất tốt”- GS.TS Đặng Đức Anh cho biết./.
Khánh Minh/VOV.VN