Những bí quyết 'vàng' nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể vào mùa Hè
Mùa Hè nắng nóng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, khiến nhu cầu tìm kiếm các biện pháp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể tăng cao.
Mùa Hè là mùa của nhiều loại dịch bệnh phổ biến như cảm cúm, ho, sốt..., đặc biệt với trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Vào mùa Hè, số lượng bệnh nhân thường tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm, đặc biệt là với đối tượng trẻ em, khiến nhiều bệnh viện nhi luôn trong tình trạng quá tải.
Vì vậy, việc tìm kiếm các biện pháp nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể vào mùa Hè được người dân đặc biệt quan tâm. Những bí quyết tăng cường đề kháng cho cơ thể vào mùa Hè luôn là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.
Nỗi lo dịch bệnh mùa Hè
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết một tuần trở lại đây (từ ngày 4-10/7), toàn thành phố ghi nhận 79 ca mắc sốt xuất huyết. Bộ Y tế nhận định hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.
Trong khi đó, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều người dân bị mắc cúm A với tình trạng nặng, có tổn thương phổi, phải nhập viện điều trị. Cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
[Chăm sóc hệ tiêu hóa giúp tạo nên 'thành trì' hệ miễn dịch]
Mùa Hè là mùa của nhiều loại dịch bệnh phổ biến như cảm cúm, ho sốt... Với trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ em thường dễ bị tấn công bởi các loại vi trùng, virus và mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, cảm cúm...
Bên cạnh đó, với việc nhiều gia đình có bố mẹ làm công việc văn phòng khiến trẻ em hầu như không được ra ngoài chơi, không có cơ hội vận động và hít thở không khí ngoài trời, ít nhiều ảnh hưởng đến sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ. Khi nhiệt độ quá cao khiến trẻ toát mồ hôi, nếu để lâu sẽ khiến phổi bị lạnh, hoặc nằm điều hòa mà để nhiệt độ thấp cũng dễ bị viêm phế quản.
Mẹo “vàng” để bảo vệ sức khỏe
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Hè năm 2022, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức tuyên truyền tại trường học về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa Hè.
Bổ sung đủ vi chất và dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể từ các loại trái cây và rau củ là một trong những mẹo 'vàng' giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)
Theo khuyến cáo từ các bác sỹ, biện pháp tốt nhất phòng bệnh là tăng cường sức khỏe, bổ sung đủ vi chất, dinh dưỡng cần thiết và nước uống cho cơ thể; trong đó các loại trái cây và rau củ quả chính là nguồn cung cấp vitamin rất dồi dào giúp tăng sức đề kháng của cơ thể. Vitamin A có nhiều trong rau màu xanh thẫm, củ quả màu vàng, đỏ. Các loại vitamin C có nhiều trong những thực phẩm mùa Hè như rau đay, rau muống, bưởi, nhãn, chanh, dứa..., vốn đóng vai trò rất lớn trong quá trình bảo vệ cơ thể và hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh cảm cúm thông thường.
Bảo đảm chất lượng giấc ngủ là một yếu tố không thể thiếu giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Khoảng thời gian lý tưởng để có một giấc ngủ chất lượng phụ thuộc vào từng độ tuổi: Trẻ sơ sinh cần ngủ tới 18 tiếng/ngày, trẻ em trước độ tuổi đến trường cần ngủ đủ khoảng 10 tiếng/ngày và người lớn là từ 7 đến 8 tiếng/ngày. Một số bí quyết có thể áp dụng để có một giấc ngủ ngon là ngồi thiền từ 20 đến 30 phút; giảm thời gian xem TV hoặc sử dụng điện thoại, bởi ánh sáng của các loại thiết bị điện tử này sẽ khiến bộ não của bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.
Một số mẹo “vàng” giúp tăng cường sức đề kháng được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ trong ngày Hè bao gồm: Uống nhiều nước để duy trì lượng nước trong cơ thể, không nên uống nhiều nước lạnh; hạn chế ra ngoài khi thời tiết nóng bức, cần có những biện pháp bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng Mặt Trời; nên tắm bằng nước mát từ 2 đến 3 lần/ngày để làm mát cơ thể và loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn; tránh làm việc quá tải dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi - tạo cơ hội để dịch bệnh tấn công; không lạm dụng thuốc kháng sinh, khiến cơ thể sản sinh ra kháng thể và gây ra tình trạng “nhờn thuốc”...
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý cha mẹ cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ, hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh; hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng...
Bên cạnh đó, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh không gian sống, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ em tiếp xúc hằng ngày. Để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người lớn cần tránh đưa trẻ đến những nơi tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cảm cúm đồng thời đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế nguy cơ lây nhiễm./.
Việt Anh (Vietnam+)