Nguy cơ vi rút adeno gia tăng sau COVID-19
Mặc dù là chứng bệnh rất cũ, chủng vi rút cũng cũ, nhưng những ngày gần đây số trẻ em mắc vi rút adeno liên tục gia tăng, tại Bệnh viện Nhi trung ương đã có sáu trẻ tử vong. Các chuyên gia cảnh báo có thể xuất hiện dịch do vi rút adeno. Số ca mới gia tăng theo tuần và những tuần gần đây ghi nhận có tuần tăng trên hai lần so với tuần liền kề trước đó.
Nguy cơ dịch gia tăng
Bệnh viện Nhi trung ương thông tin đến ngày 12-9 tổng số ca nhiễm vi rút adeno được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn tổng số ca bệnh cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ. Trong đó đã có sáu trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm vi rút này.
Tương tư, tại khoa nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận số trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa với những triệu chứng như nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho (các triệu chứng của adeno) gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo BS Lê Thị Hồng Hanh - giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Nhi trung ương, vi rút adeno gây viêm đường hô hấp trên, viêm phổi có xu hướng gia tăng. "Viêm đường hô hấp do vi rút là bệnh thường gặp. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường có xu hướng gia tăng vào tháng giao mùa như xuân - hạ, thu - đông. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau nhưng thường gặp nhất là trẻ 6 tháng đến 5 tuổi.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy viêm phổi do vi rút adeno có thể trở thành dịch và những dịch này thông thường hay tăng lên sau các đợt dịch sởi, cúm. Việt Nam vừa trải qua dịch COVID-19 và cúm A, vì vậy khả năng tỉ lệ viêm phổi do adeno cũng gia tăng" - BS Hanh nhận định.
Đối với các trẻ đã tử vong do nhiễm vi rút adeno, BS Hanh cho biết thông thường bệnh nhân điều trị trong 10 ngày đến 2 tuần sẽ khỏi bệnh. Những bệnh nhân tử vong rất ít xảy ra và xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như mắc các bệnh nền: suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm hệ miễn dịch, bệnh phổi mãn tính...
Hiện trung tâm đang điều trị cho 25 bệnh nhân viêm phổi do nhiễm vi rút adeno, trong đó khoảng 15 bệnh nhân thở oxy, nhưng không có bệnh nhân nào nặng, với những người có cơ địa khỏe mạnh mắc vi rút adeno có thể tự khỏi.
Theo BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn), trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn nếu nhiễm adeno như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm gan... Nếu để muộn có thể tử vong.
"Cha mẹ khi thấy con bị mắc bệnh, hãy quan sát tình trạng của trẻ, nếu có ít nhất một trong ba biểu hiện sau thì cần đưa con đi khám kịp thời: sốt cao kéo dài (có thể trên 40oC, hơi thở nặng nề, da tái nhợt, lơ mơ, ho khan dữ dội. Còn lại, đa số trường hợp nhẹ là không cần thiết xét nghiệm truy tìm vi rút và các bác sĩ chỉ cần khám lâm sàng, kê đơn thuốc cho về nhà điều trị và theo dõi", BS Phúc nói.
Chủ yếu điều trị triệu chứng
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vi rút adeno chủ yếu lây từ người qua người, thời gian ủ bệnh từ 5 đến 12 ngày và trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh, hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải vi rút ra ngoài.
Theo các bác sĩ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo dùng một số thuốc kháng vi rút cho đồng loạt trẻ nhiễm vi rút adeno và vắc xin phòng bệnh này cũng đang được nghiên cứu. Vì vậy, hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng và sử dụng các biện pháp phòng bệnh.
BS Nguyễn Thành Nam, giám đốc Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện bệnh viện đang điều trị nhiều bệnh nhi mắc viêm hô hấp, tiêu chảy, nôn, sốt... Hầu hết các trẻ đều khỏi bệnh sau thời gian điều trị.
"Khi bệnh nhân mắc vi rút adeno nhập viện sẽ được cách ly nhằm tránh lây nhiễm trẻ khác và chủ yếu điều trị triệu chứng. Cụ thể, bệnh nhân sốt cao sẽ được dùng hạ sốt kịp thời, suy hô hấp sẽ được hỗ trợ. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh khi có viêm nhiễm phổi nặng. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm loại vi rút trẻ bị nhiễm chỉ cần thiết trong một số trường hợp, không phải bệnh nhi nào cũng cần phải xét nghiệm", BS Nam cho hay.
Chăm sóc trẻ như thế nào?
Theo các bác sĩ, phương thức lây truyền bệnh do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi, qua phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm vi rút adeno.
BS Nam khuyến cáo, để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do vi rút adeno nói riêng, cần đảm bảo vệ sinh và chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Hướng dẫn trẻ hình thành thói quen rửa tay thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước. Giữ gìn vệ sinh ăn uống cho trẻ, ăn chín, uống sôi. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
"Trong thời điểm có tỉ lệ nhiễm vi rút adeno cao, gia đình hạn chế đưa trẻ dưới 2 tuổi đến nơi đông người, khi tiếp xúc cần chú ý giữ khoảng cách an toàn, không tiếp xúc với người bệnh", BS Nam nhấn mạnh.
Nguồn báo Tuổi trẻ