Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Ngày 12.7, thông tin từ BYT cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 36.253 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 3 ca tử vong (tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh). So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 58,6%, số tử vong giảm 10 ca, nhưng hiện số ca mắc bắt đầu gia tăng theo diễn biến mùa dịch hằng năm và đã tăng hơn so với trung bình 5 năm trước.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số mắc SXH tăng trong những tuần gần đây do dịch có tính chất chu kỳ, số mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho véc tơ (muỗi) truyền bệnh phát triển.

Chiều 12.7, bác sĩ (BS) Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ, cho biết từ đầu tháng 7 đến nay, số ca mắc SXH từ các tỉnh, thành ĐBSCL nhập viện tại BV này gia tăng nhanh. Hiện có 3 ca rất nặng, đang phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc; trong đó 2 ca từ Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và 1 ca từ tỉnh Trà Vinh chuyển đến. Theo BS Thanh, ĐBSCL đang bước vào mùa mưa, là thời điểm bệnh SXH gia tăng. Các ổ dịch đồng loạt xuất hiện ở nhiều nơi như H.Bình Tân (Vĩnh Long), Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh... Trong 6 tháng đầu năm nay, BV Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận hơn 200 ca SXH, trong đó có một số ca nặng.

Còn theo báo cáo của ngành y tế Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có số mắc SXH tăng 21,7% so với cùng kỳ (hiện toàn tỉnh có 1.189 ca SXH). Gần đây, số ca SXH ở người lớn tăng khá rõ. Ngành y tế ghi nhận có nhiều ca SXH người lớn khi nhập viện trong giai đoạn nặng, sốc, không bắt được mạch, không đo được huyết áp.

Tại Đồng Tháp, tính đến giữa tháng 6 đã có 873 ca mắc SXH, giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hai, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, thì týp vi rút Dangue-2 đang chiếm ưu thế tại tỉnh này - đây là týp thường gây dịch SXH với số ca mắc và tử vong cao. “Số ca SXH có thể tăng nhanh trong thời gian tới. Nếu cộng đồng không quyết liệt và chủ động trong việc diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra dịch ở quy mô xã, phường, thị trấn rất cao”, ông Hai cảnh báo.

Tại Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có trên 1.800 ca mắc SXH, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng những tuần gần đây số mắc liên tục tăng cao, mỗi tuần có hơn 30 ca nhập viện (bình thường mỗi tuần chỉ có trên dưới 10 ca nhập viện). Trước tình trạng bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch, cuối tuần qua Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp đã có văn bản gửi các đơn vị, yêu cầu tập trung phòng chống SXH trên địa bàn.

UBND tỉnh An Giang cũng đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện tăng cường đồng bộ các giải pháp lăng quăng, phòng chống SXH; Sở Y tế An Giang chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện... phục vụ phòng chống, điều trị SXH, hạn chế số tử vong. Ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh An Giang có 1.119 ca mắc SXH (không có ca tử vong), giảm 10% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, đang vào mùa mưa, nhiều địa phương đang gia tăng bệnh SXH và có nguy cơ bùng phát rộng.

Hà Nội ghi nhận 868 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 6 đến 12-7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 115 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 51 xã, phường, thị trấn.

Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 868 trường hợp mắc sốt xuất huyết, nhưng chưa có trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tính đến thời điểm hiện tại giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 1.220 trường hợp).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn giảm 4 trường hợp so với tuần trước đó. Thế nhưng, thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển, nhất là tại các huyện vùng ven đang trong quá trình đô thị hóa và các khu vực có làng nghề phát sinh nhiều dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Riêng với dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, song có nguy cơ thấp đối với Hà Nội. Bởi, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu của Hà Nội đạt hơn 97%, trong khi chỉ tiêu của quốc gia đặt ra là hơn 95%. 

Nguồn báo Thanh niên và Hà Nội mới

 


Các bài viết liên quan